Nhật Ký Krishnamurti

 Ojai, California

https://docs.google.com/document/d/1wqqmg6IlWTTX37FOCXcXCENYFSsN7t0T/edit

Thứ sáu, 25 tháng 2 năm 1983

Suốt mấy tuần nay, mỗi ngày vào sáng sớm lúc vầng dương vừa ló dạng, ta ngồi ngắm cái cây ở gần bờ sông. Khi mặt trời từ từ nhô lên ở cuối chân trời, du hành trên những rặng cây, thì cây này đột nhiên vàng óng. Những chiếc lá sáng lên đầy sức sống, và suốt hàng giờ đồng hồ, cây ấy toát ra một tính chất đặc biệt, dường như muốn vươn lên tỏa khắp không gian, vươn qua cả bên kia sông. Cây ấy có tên là gì ta cũng không nhớ, vì bị quyến rũ bởi điệu múa của những chiếc lá dưới ánh sáng mặt trời lúc ấy đã vươn cao hơn các lùm cây. Lúc nãy, trước hừng đông, cây rất tăm tối, im lặng và xa vời. Khi mặt trời vừa lên, cây phô bày vẻ đẹp huy hoàng với những ngọn lá rực rỡ lung linh. Buổi trưa, bóng cây râm mát, làm chỗ trú nắng lý tưởng cho bạn. Từ đó nảy sinh một mối tương quan mật thiết, vững bền, an ổn, tràn đầy sự thanh thản mà chỉ có cây cối mới biết đến. Buổi chiều, khi mặt trời lóe lên những tia sáng cuối cùng ở phương tây, thì cây từ từ thẫm tối, thu mình lại. Mặt trời tỏa những tia sáng màu đỏ, vàng, xanh trên tàng lá, nhưng cây thì vẫn trầm ngâm, tiết chế để nghỉ đêm.

Nếu bạn tương quan với cây cổ thụ này, là bạn đã tương quan với nhân loại. Bạn trở nên có trách nhiệm với cái cây ấy và với tất cả cây cối trên đời. Nhưng nếu không để ý đến những sinh vật trên mặt đất, bạn dễ đánh mất liên lạc với nhân loại, với những con người. Chúng ta không bao giờ quan sát sâu xa phẩm chất của một cái cây; không chịu sờ xem thân nó cứng như thế nào, vỏ nó nhám ra sao, để nghe âm thanh của riêng nó. Không phải là tiếng gió rì rào trong lá, cũng không phải là tiếng gió nhẹ ban mai làm lá xào xạc, mà là một tiếng đặc biệt của thân cây, âm thanh im lặng của các rễ cây. Phải hết sức bén nhạy ta mới nghe được âm thanh ấy. Đấy không phải là tiếng động của trần gian, của tư tưởng huyên náo, của tiếng người cãi nhau, của chiến tranh, mà là âm thanh riêng của vũ trụ.

Thật lạ lùng là chúng ta quá ít đoái hoài đến thiên nhiên, đến những côn trùng, đến con ếch đang nhảy nhót, con chim cú đang gọi bạn, tiếng kêu của nó vọng từ đồi này sang đồi kia. Dường như chúng ta không nảy lên một chút tình cảm nào đối với những con người đang sống trên trái đất. Nếu có thể lập được một tương quan mật thiết và bền bỉ với thiên nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ giết hại súc vật để nuôi thân, chúng ta sẽ không bao giờ làm hại những con khỉ, con chó hay con heo bằng cách mổ xẻ chúng để đem lại cái gọi là lợi ích cho nhân loại.

Chúng ta sẽ tìm ra những phương cách khác để săn sóc các vết thương và chữa lành bệnh. Nhưng chữa lành vết thương lòng thì lại hoàn toàn khác. Nó đòi hỏi sự tiếp xúc với thiên nhiên, với quả cam còn ở trên cây, với cọng cỏ đang cố vươn sức sống qua kẽ đá, và với những cánh đồi mây phủ.

Đây không phải là sản phẩm của tưởng tượng tình cảm hay lãng mạn, mà là sự thật của một người có tương quan với tất cả những gì sinh động trên đời. Con người đã tàn sát hàng triệu bác cá voi và còn muốn giết nữa. Có thiếu gì cách để đạt được cái họ muốn mà không cần phải tàn sát. Nhưng họ lại thèm khát nhìn máu của chú nai đang chạy trốn, của chị nai xinh đẹp và của bác voi khổng lồ. Chúng ta lại còn muốn giết lẫn nhau nữa. Từ lúc khai thiên lập địa đến giờ, con người không ngừng tàn sát lẫn nhau. Nếu chúng ta có thể lập một tương quan mật thiết với thiên nhiên, với cây cối, với bụi bờ, với khóm hoa ngọn cỏ và với những áng mây, thì chúng ta sẽ chẳng còn muốn giết một ai vì bất cứ một lý do nào nữa. Sự giết chóc có tổ chức chính là chiến tranh. Cho dù chúng ta có biểu tình chống đối những hình thức chiến tranh đặc biệt nào đó như chiến tranh hạt nhân chẳng hạn, thì ta vẫn chưa bao giờ thật sự chống chiến tranh. Chúng ta chưa bao giờ tuyên bố giết người là phạm phải một tội nặng nhất trên đời.

Thứ ba, 10 tháng 3 năm 1983

Hôm trước, ta đi dạo trên một con đường rừng vắng vẻ. Chung quanh ta là cả một sự im lặng bao la, tràn ngập âm điệu của mặt đất, xa hẳn mọi ồn ào náo nhiệt của phố thị và của những gì mà con người đã xây dựng lên để thống trị và bảo vệ. Ta lặng lẽ bước đi để khỏi làm kinh động những sinh vật trong vùng – những bụi bậm, những cây cối, những con châu chấu, những con chim. Ở khúc quẹo, hai con vật tí hon đang tranh chấp nhau. Chúng đánh nhau theo cách nhẹ nhàng của chúng. Chị này tìm cách đuổi chú kia, kẻ đột nhập đang tìm cách chui vào cái hang đã có chủ nhưng bị khổ chủ ngăn lại không cho vào. Cuối cùng sở hữu chủ đã thắng, kẻ xâm nhập phải cao chạy xa bay. Sự tĩnh mịch lại trở về, với một cảm thức cô độc sâu xa. Ngước nhìn lên, ta thấy con dốc thật cao trên núi và gần đấy là tiếng thì thầm của một ngọn thác, đẹp và hùng vĩ làm sao, khiến vẻ trang nghiêm kiêu hãnh ngạo nghễ mà con người theo đuổi phải thua xa. Con vật bé nhỏ đã đồng hóa mình với mảnh đất của nó, ta cũng thế. Ta cố đồng hóa với giống nòi ta, văn hóa ta, với những thứ mà ta tin tưởng, với một nhân vật huyền bí hay một đấng cứu rỗi, một quyền thế nào đó. Dường như bản chất con người là muốn đồng hóa mình với một cái gì. Có lẽ chúng ta thừa hưởng bản năng của con vật bé nhỏ kia.

Vì sao có lòng khao khát được đồng hóa ấy? Sự đồng hóa vào những nhu cầu của thân thể thì dễ hiểu – nào là cần cơm ăn áo mặc chỗ ở v.v. …Nhưng từ trong tâm khảm, chúng ta tìm cách đồng hóa mình với quá khứ, với truyền thống, với sự ngông cuồng lãng mạn hay với một biểu tượng đáng kính. Và sự đồng hóa này chắc chắn cho ta một cảm giác an toàn, vững bụng, cảm thấy mình thuộc vào một cái gì, sở hữu một cái gì. Ta thấy mình được an ủi vô cùng. Ta tìm thấy an ổn trong đủ loại ảo tưởng, và hình như con người cần rất nhiều ảo tưởng.

Xa xa vẳng lên một tiếng kêu của một con cú mèo, rồi một tiếng đáp trả từ bên kia thung lũng vọng lại. Trời vẫn còn tờ mờ sáng. Những tiếng động của ban ngày chưa bắt đầu, vạn vật vẫn còn yên tĩnh. Có cái gì lạ lùng thiêng liêng khi mặt trời lên, như thể một bài cầu nguyện, một khúc thánh ca dành cho ánh triêu dương êm đềm. Ánh sáng lúc ấy rất ôn hòa. Gió cũng chưa muốn xuất hiện. Tất cả thảo mộc, cây cối, bụi bờ đều thanh thản lặng yên chờ đợi. Mặt trời còn nửa tiếng mới thức dậy, và rạng đông từ từ bao phủ mặt đất đang bất động một cách lạ lùng.

Và khi vầng dương đỏ rực vừa lướt qua thì chóp núi cao nhất cũng từ từ tỏa sáng. Làn tuyết tinh khôi vẫn còn nguyên vẹn dưới ánh nhật quang.

Khi ta leo lên triền núi, để lại phía dưới những con đường làng với tiếng ồn của mặt đất, những con châu chấu, chim cút và các loài chim bắt đầu hát ca mừng ánh triêu dương, đón chào một ngày mới. Khi mặt trời lên, con người mình hòa tan vào trong ánh sáng ấy, bỏ hết mọi tạo tác của tư tưởng. Nó hoàn toàn tự xóa mình, tâm trống rỗng không còn phấn đấu và khổ đau. Trong chuyến đăng sơn ấy, ta không còn thấy mình tách biệt với vũ trụ, không cả cái cảm giác mình là những con người.

Sương mù đầu hôm thong thả dồn lên trong thung lũng – chúng ta cũng thế, càng ngày càng lấn sâu vào ảo tưởng, sự mơ mông hão huyền, cái ngây ngô của cuộc đời như sương mù càng lúc càng dày đặc. Một lúc thật lâu sau, ta đi trở xuống trong tiếng thì thào của gió, của côn trùng hòa lẫn với tiếng kêu của các loài chim. Sương mù tan dần theo từng bước chân ta. Chẳng mấy chốc ta đi ngang qua các con đường, các cửa hiệu và sự rực rỡ của bình minh tan biến mau chóng. Guồng máy thường nhật lại hoạt động, đượm những thói quen của công viêc, những tranh chấp làm con người chống trái lẫn nhau, những chia rẽ tạo nên bởi đủ thứ phân biệt, những tư tưởng linh tinh, sự chuẩn bị chiến tranh, nỗi đau trong lòng và nỗi khổ triền miên của nhân loại.

Thứ sáu, 11 tháng 3 năm 1983

Không khí sáng hôm nay thật dễ chịu, vạn vật như tắm mình trong một thứ ánh sáng chỉ có ở miến nam California, một ánh sáng khác thường.

Ta đã đi du lịch hầu hết các nơi trên trái đất và đã thấy rõ sự khác biệt giữa ánh sáng và những đám mây ở rất nhiều vùng. Mây ở Hòa Lan là đà phất phới, xòn mây ở xứ California này lại bay tít lên bầu trời xanh và lúc nào cũng tỏa sáng, kết tụ thành từng đám rộng lớn với những hình dáng diệu kỳ.

Không khí ban mai mát rượi. Đi dọc theo con đường sỏi đá rước mình theo triền núi, bạn nhìn bao quát thung lũng với những hàng cây cam, cây lê và những dãy đồi xung quanh. Ta có cảm tưởng đã giã từ cuộc thế, cắt đứt với mọi sự: vẻ chán chường xấu xí của hành động và phản ứng thô tháo nơi con người. Càng leo lên dốc đá, ta càng vứt bỏ những phiền toái lại phía sau: nào là sự kiêu hãnh, tính ngạo nghễ biểu hiện qua những bộ đồng phục xấu xí với những huân chương thô kệch nhởn nhơ trước ngực, nào là sự khoa trương của những chiếc áo thầy tu lạ lùng, tất cả đều ở lại dưới kia.

Khi lên núi, ta suýt vấp phải một con chim cút với một tá con của nó. Mẹ con chúng vừa tản mác lẩn vào các bụi rậm vừa gọi nhau ơi ới. Leo lên cao một chút nữa, ta ngoái đầu lại thì thấy bà mẹ đã tập trung đàn con lại dưới đôi cánh che chở của mình.

Muốn đạt đến đỉnh núi, ta phải leo thêm mấy tiếng đồng hồ nữa. Có nhiều hôm ta gặp một chú gấu đang đi thoăn thoắt gần chỗ mình không chút ngại ngùng. Những chú nai ở dốc đồi bên kia cũng chẳng thèm đếm xỉa gì đến ta. Rồi ta cũng đến được vùng cao nguyên sỏi đá. Ở đây nhìn xuống dãy đồi phía đông nam ta sẽ thấy mặt biển thật xanh, thật êm, bao la vô tận. Ta ngồi xuống một tảng đá mòn và rạn nứt bởi tia nắng hàng thế kỷ nay. Ta ngắm nhìn những sinh vật tí hon đang bận rộn trong các kẽ nứt ấy. Không gian chìm lắng trong sự tĩnh mịch tuyệt đối, vô biên. Một con chim ưng thật lớn bay lượn trên trời. Những con trùng nhỏ bé độc quyền ngọ ngoạy. Cái tĩnh mịch này, nơi đây, chỉ được tuyệt đối khi vắng dấu chân người.

Ta đã vứt lại sau lưng tất cả, trong ngôi làng bé nhỏ ở dưới kia. Tất cả: nguồn gốc nếu có, tài sản, kinh nghiệm, những kỷ niệm thân thiết – tất cả đều ở lại dưới ấy, giữa những lùm cây và vườn cây ăn trái chói sáng. Ở đây thanh tịnh quá, và vắng vẻ biết bao.

Sáng hôm ấy thật tuyệt. Không khí còn mát lạnh bao phủ lấy ta. Không còn một sợi dây liên lạc nào nữa. Không có gì cả, ở cõi này hay cõi bên kia.

Hãy quên hẳn danh từ “thiền” vì người ta đã làm hỏng nó qua cách sử dụng. Ý nghĩa thông thường của nó – suy nghĩ, tư duy để thâm nhập một chuyện gì, thì khá tầm thường và nông cạn. Nếu muốn hiểu thiền là gì, bạn phải hoàn toàn quên hẳn chữ ấy, vì ngôn từ không cho phép ta đo lường cái không thể đo lường, cái vô lượng. Không một chữ, một hệ thống tư tưởng, một hành vi, một ứng dụng nào có thể khiến ta mường tượng ra nó. Danh từ thiền bị hiểu sai đến nỗi trở nên tầm thường và lạc lối, vì bị lạm dụng để hái ra tiền: đừng nghĩ đến danh từ đó nữa, bạn sẽ từ từ cảm nhận được một chuyển động vượt thời gian. Và chính danh từ chuyển động cũng hàm nghĩa thời gian; ở đây ta muốn nói đến một chuyển động không có bắt đầu và kết thúc. Sự chuyển động này giống như sóng biển: những ngọn sóng nối tiếp nhau không bắt đầu từ đâu cả và cũng không bị vỡ tan trên bờ cát. Làn sóng ấy cứ liên tục.

Thời gian dù có chậm lại cũng khá tẻ nhạt. Thời gian nghĩa là sự tăng trưởng, sự phát triển, sự trở nên, sự thành tựu, sự trải nghiệm, sự đổi thay. Không phải qua thời gian mà người ta thừa nhận cái gì hiện hữu ngoài phạm vi chữ thiền. Thời gian không phải thế, mà là hành động của ý chí, của khao khát, là cái không phải thiền chút nào.

Ở đây, trên tảng đá, với bầu trời xanh thăm thẳm, không khí thật trong lành không vướng chút bụi nhơ. Ở bên kia dãy núi là bãi sa mạc dài hàng cây số. Đây mới đúng là một cảm giác vượt thời gian, một cảm giác có thật.

Ta ngồi đây ngắm nhìn hàng ngày, hàng năm, hàng thế kỷ. Khi mặt trời xuống dần đến mặt biển, ta trở về thung lũng nơi chan hòa ánh sáng: từng cọng cỏ, từng bụi rậm, từng cây khuynh diệp uy nghiêm, và mặt đất đơm hoa. Con đường đi xuống thật gay go, nhưng cái phi thời gian thì không thể đo lường bằng ngôn ngữ. Mà thiền chỉ là một danh từ. Những tia nắng cuối cùng chìm vào sự tĩnh mịch bất biến.

Sự không biên giới. Họ không bao giờ thấy được cái xấu xa của quyền lực, của địa vị, của cảm giác tự tôn. Họ giống bạn, giống tôi, nhưng họ chiếm ngôi vị tứ tôn với tất cả sự biển lận của khát vọng tham lam. Rồi họ bảo đảm sự sống còn của thái độ tư hữu, một thái độ tiềm tàng nơi con người, để bảo vệ sự hiện hữu của mình. Họ không nghĩ đến việc giải thoát khỏi mọi lý tưởng hay lý thuyết, hay đến việc vượt qua những phân chia giống nòi, văn hóa, tín ngưỡng do con người đặt ra. Con người chỉ cần đến nhà chức trách khi họ không tự làm ánh sáng cho chính mình, khi đời sống hàng ngày của họ mất trật tự và yêu thương, khi họ không chú ý vào công việc, thiếu nhận thức, kém phát triển tinh thần. Họ thích được kẻ khác chăm lo như đã từng được các bậc tiền bối, giáo sĩ, thầy tu điều khiển. Họ ngoan ngoãn tuân theo những lối tu lạ lùng không đưa đến đâu, làm như đấy là những thần linh được mặc khải nên biết hết mọi chuyện trên cõi đời quá phức tạp này.

Trên đầu các ngọn cây, từ đỉnh đá có tự ngã như tất cả những con người trên trái đất, ta tự hỏi không biết đến bao giờ con người mới thôi cãi nhau, đánh nhau, xâm chiếm nhau, hiềm khích nhau. Con người đã gây ra chống trái bằng cách chia rẽ ngôn ngữ, văn hóa và mọi phiến diện ở trên đời. Con người đã tiến hóa sau bao nhiêu thế kỷ chịu thống khổ đau buồn xen lẫn với khoái lạc và lo âu, đến bao giờ họ mới tìm ra được một lối sống khác?

Trong khi ta ngồi yên lặng bất động thì một con mèo hoang, một con linh miêu xuất hiện. Lúc ấy gió từ dưới thung lũng thổi lên, nên con vật không ngửi thấy hơi người. Nó khoan khoái cọ mình vào tảng đá, lông dựng ngược lên thích thú. Rồi nó phóng xuống đồi và biến mất vào bụi rậm. Nó bảo vệ cái hang hay cái ổ của mình. Gặp nguy biến nó bảo vệ đàn con, sở hữu thiết thực của nó. Nó sợ nhất loài người, con người giàu có lăm le khẩu súng sát hại không gớm tay. Con mèo hoang ấy đã đến rất gần ta đến nỗi ta có thể ngửi thấy hơi của nó. Ta ngồi im đến nỗi nó không trông thấy ta. Ta là một phần của tảng đá này, của nơi chốn này.

Tại sao con người không hiểu được là họ có thể sống yên ổn không cần chiến tranh, bạo động. Bao giờ con người mới hiểu được điều đó? Từ bao nhiêu thế kỷ nay, con người chưa học được gì ráo. Con người hiện tại như thế nào thì tương lai họ sẽ như thế ấy.

Tảng đá bắt đầu nóng rực lên, lan đến y phục. Ta đứng dậy xuống núi, men theo con đường mà con mèo hoang đã đi trước khi biến mất. Có rất nhiều sinh vật khác: rắn đen, rắn hoàng gi, rắn lục lạc. Chúng lặng lẽ trườn đi. Không khí buổi sáng đã tan dần; mặt trời từ từ tách khỏi phía đông. Trong một hay hai tiếng đồng hồ nữa, nó sẽ biến mất sau rặng đồi có hình dáng tuyệt đẹp, trong những ánh lửa chiều đủ màu xanh, đỏ , vàng. Rồi màn đêm sẽ đến, mang theo mọi ồn náo. Rồi lâu lắm, rất trễ, sự thanh tịnh tuyệt đối mới xuất hiện. Những tia nắng cuối cùng tỏa ra âm thanh vất vắng lặng, vì chính từ đấy ngự trị năng lực rộng sâu.

Thứ năm, 17 tháng 3 năm 1983

Sáng hôm nay mây bay là đà xuống gần chúng ta. Trận mưa đêm qua đã tưới mát, thấm nhuần và nuôi dưỡng mặt đất. Vào những buổi sáng như hôm nay, trước các ngọn đồi lơ lửng trong mây, dưới bầu trời, người ta chỉ còn cảm thấy ngạc nhiên và yếu đuối trước năng lực lạ lùng mà con người đã cống hiến cho đời để hoàn thành những tiến bộ kỹ thuật vượt bực hơn 50 năm nay, cái năng lực đã làm ô nhiễm hầu hết các dòng sông, và phung phí các tài nguyên để duy trì sự rộn ràng bất tuyệt đó. Sáng hôm nay, dưới hiên nhà, thời gian như xa hẳn mọi tiếp xúc với con người. Ta cần thời gian để di chuyển từ đây đến kia, để học, để làm việc, để thay đổi lối sống thường nhật. Ta biết rằng thời gian rất cần để thâu thập một ngôn ngữ mới hay một sở trường, để chế tạo một chiếc máy bay hay một cái máy vi tính hoặc để hoàn tất một chuyến đi; lớp trẻ có thời gian riêng của chúng, các cụ già cũng vậy. Mặt trời cũng cần thời gian để đi ngủ và thức dậy, rồi mới khoan thai vươn mình lên khỏi những rặng đồi; như những cái bóng thật dài và như cái cây phát triển thật chậm, anh thợ mộc hay bác làm vườn cần phải trải qua một thời gian trong nghề mới trở nên thành thạo được. Trong thực tế và trong các hoạt động thể thao, ta cũng cần có thời gian để rèn luyện.

Nhưng trong lãnh vực tâm lý, có nên dùng thời gian theo kiểu ấy không. Ta có nên áp dụng cách suy nghĩ, hành động và học hỏi này vào thế giới nội tâm, thế giới tâm linh, với hy vọng trở thành một người nào đó, hay được thăng hoa? Nếu nghĩ rằng có thể thay đổi cái đang là bằng cái phải là, thì ta quả quá ngờ nghệch. Người ta cứ tưởng cần có thời gian để biến đổi thói bạo động với tất cả khía cạnh phức tạp của nó thành ra bất bạo động.

Khi ngồi im lặng một mình ở trên thung lũng rộng lớn này, ta có thể đếm được có bao nhiêu dãy cam trong vườn, vì chúng được chăm sóc rất tử tế. Ta cần thời gian không phải để ngắm nhìn trái đất xinh đẹp, mà để đưa cái nhìn này vào một tấm lụa hay vào một bài thơ. Có thể là ta dùng thì giờ để thoát khỏi cái đang là, khỏi cái thắc mắc chúng ta là ai, tương lai chúng ta ra sao, tương lai nhân loại thế nào.

Trong phạm vi tâm lý thì thời gian là kẻ thù của con người. Bạn muốn tâm trí được phát triển, được trưởng thành, được viên mãn và trở nên quan trọng hết mức. Bạn không bao giờ thắc mắc là cái hy vọng ấy, cái quan điểm ấy có bao giờ được chỉnh đốn lại chưa. Bạn dễ dàng chấp nhận cái ý nghĩ rằng tâm lý có hể tăng trưởng, thăng hoa để đạt đến bình an hạnh phúc. Nhưng trong thực tế thì không hề có sự phát triển tâm lý theo kiểu ấy.

Trong ánh sáng êm dịu này, con chim sâu vờn từng cánh hoa với một sự nhanh nhẹn tột bực so với thân hình bé nhỏ của nó. Nó ve vẩy đôi cánh thật nhanh với một nhịp điệu đều đặn và liên tục phi thường: nó tiến rất nhanh mà lùi cũng mau. Ta rất thích quán sát nó, ngắm nhìn nét mong manh với màu sắc sinh động của nó, và tự hỏi tại sao nét đẹp này lại bé nhỏ, nhanh nhẹn và phù du thế. Ô kìa, có một con chim khách đậu trên dây cáp điện thoại. Một con khác đứng chót vót trên đầu ngọn cây ngắm nhìn khắp trái đất. Nó bất động suốt nửa tiếng đồng hồ, nhìn quanh quất với cái đầu xinh xinh sẵn sàng đối phó với bao nguy hiểm. Nhưng rồi nó cũng bay đi. Những cụm mây đã bắt đầu rời xa những cánh đồi xanh mướt.

Ta đã nói là không có sự phát triển tâm lý. Tâm lý không tăng cũng không bao giờ biến thành cái mà nó không phải là. Sự kiêu hãnh ngạo mạn không thể tăng cũng không thể giảm; tính tự kỷ, vốn là một phần của toàn thể nhân loại, cũng không thể ích kỷ hơn, gắt gao hơn bản chất của nó được. Kể cũng đáng sợ khi nhận ra chỉ một từ ngữ hy vọng cũng đã bao hàm tương lai của nhân loại. Muốn chuyển nghĩa của cái đang là thành ra cái phải là quả là một ảo tưởng, có khi còn là một sự dối trá, nếu ta được phép dùng chữ này. Ta chấp nhận những gì mà con người đã lập đi lập lại từ ngàn xưa. Nhưng nếu ta ngẫm nghĩ vấn đề rồi nghi ngờ thì ta sẽ thấy thật rõ ràng – nếu ta muốn, chứ không phải nấp sau một hình ảnh hay một công thức ngụy biện nào đó – cái bản chất và cấu tạo của tâm lý học, của tự ngã, và của cái tôi. Cái tôi sẽ không bao giờ khấm khá hơn được. Nó cố gắng rất nhiều để được tiến bộ, nó ngỡ là đã tiến bộ, nhưng sao vẫn cứ quanh quẩn trong những sự vụn vặt nhỏ bé. Cái tôi đã khoác lên không biết bao nhiêu là hình thức và thu mình trong không biết bao nhiêu là cấu trúc. Nó có thể biến đổi trong từng giây phút, nhưng nó vẫn cứ là cái tôi, cái hành vi chia rẽ và chỉ biết có mình, luôn mong mình sẽ là cái không phải như mình bây giờ.

Như vậy ta thấy là cái tôi không trở thành cái gì cả: chỉ có những cái tạo nên tâm lý về cái tôi, như ích kỷ, khắc khoải, nhức nhối và đau khổ phải biến mất. Ta phải cấp tốc từ bỏ những rắc rối này không chút chậm trễ. Ta không thể hẹn rày hẹn mai, mà phải tiêu diệt chúng ngay khi chúng vừa ló đầu. Cần có một nhận thức khách quan, không thành kiến cũng không thiên vị, và nhất là không để những hồi ức chi phối; ta chỉ cần biết mà không nhận xét, vì người nhận xét hay nhớ lại quá khứ thì vẫn cứ như thế mãi, dù anh ta có mong ước được sống trong sự thay đổi lớn lao. Những kỷ niệm cho dù có êm ái bao nhiêu đi nữa cũng không phải là thực tế; chúng thuộc về quá khứ, đã qua đi, chấm dứt, mất hẳn. Nhờ quan sát vô tư, không để con người quan sát xen vào, ta sẽ thấy được bản chất và sự chấm dứt của thời gian.

Con chim sâu đã quay lại. Một tia nắng đã vén mây để đuổi kịp nó, chiếu sáng màu lông sặc sỡ, cái mỏ dài thanh tú cùng đôi cánh nhanh nhẹn của nó. Ngắm nhìn con chim một cách vô tư, chỉ nhìn mà thôi chứ không khởi một vọng niệm nào cả, là ngắm nhìn cõi đời với tất cả vẻ đẹp của nó.

Hôm trước con đã nghe Ngài dạy thời gian là kẻ thù của con người. Ngài đã giải thích ngắn gọn lời nói có vẻ quá đáng này. Rồi Ngài cũng đưa ra nhiều phán quyết tương tự.Con thấy một vài phán quyết ấy rất đúng và tự nhiên, nhưng tâm trí lại thường không bao giờ thấy được những điều hiển nhiên ấy, dữ kiện ấy, sự thật ấy. Con đã tự hỏi mình và hỏi nhiều người khác rằng tại sao tâm trí ta đã đâm ra trơ lì chậm chạp đến thế, và tại sao ta không thấy ngay tức khắc một điều gì là đúng hay sai. Tại sao con cần phải được giải thích những điều mà khi nghe ra thì thật quá hiển nhiên? tại sao con không nhận ra được sự thật của vấn đề? Tâm trí con ra sao rồi? Con xin phép được hầu chuyện Ngài về vấn đề này nếu có thể, và được tìm hiểu vì sao tâm trí con không được tinh vi nhạy bén. Cái tâm trí đã được rèn luyện và dạy dỗ này có khi nào trở nên thật tinh vi và nhạy bén hầu có thể tức tốc nắm được bản chất đúng sai của mọi sự không?

Này anh bạn, anh hãy tự hỏi xem tại sao chúng ta lại nói đến vấn đề này. Chuyện này không dính dáng gì đến tuổi tác già nua. Phải chăng lối sống của các anh là rượu chè, thuốc lá, ma túy, vọng động, mệt mỏi và bận rôn liên tục? Anh bận rộn cả trong tâm lẫn ngoài thân. Đấy có phải là bản chất cái biết của anh không? Anh quen thâu thập những hiểu biết – ở trung học, ở đại học, hay ở một trường huấn nghệ nào. Những hiểu biết ấy phải chăng là một trong những yếu tố của sự thiếu tinh vi đó? Tâm trí anh đầy ắp dữ kiện, đã tích lũy vô số những thông tin do đài truyền hình, báo chí, tập san đem lại, rồi cố tiêu thụ và ghi nhớ thật nhiều. Cái biết này nó có góp phần vào việc phá hủy sự tinh vi không? Nhưng anh không thể từ bỏ tri thức ấy, cũng không thể dẹp nó qua một bên, vì nó rất cần thiết. Đương nhiên là, này anh bạn, anh rất cần biết lái xe hay biết viết, hay biết ứng xử trước mọi chuyện, như cầm một cái cào chẳng hạn. Trong cuộc sống thường nhật ta cần phải biết.

Ở đây ta nói đến tri thức tích lũy trong phạm vi tâm lý: tất cả những hiểu biết mà anh đã lượm lặt liên quan đến vợ anh, nếu có, trong suốt 10 hoặc 50 năm sống chung, có ru ngủ tâm trí anh không? Tất cả những kỷ niệm và hình ảnh đều hiện ra và được ấp ủ. Ta hãy nói đến cái biết nội tâm. Nó có những khôn khéo phiến diện của riêng nó: lúc nào chống lại, lúc nào nhượng bộ, lúc nào dồn chứa, lúc nào buông thả. Nhưng hãy trở lại vấn đề: tri thức chính nó không làm cho tâm trí anh trở nên máy móc, lập đi lập lại do thói quen sao? Tự điển bách khoa chứa toàn những hiểu biết vế tất cả những tác giả, tại sao không để cái hiểu biết đó lên kệ sách và chỉ sử dụng nó khi cần? Đừng để cho tâm trí mình bị quá tải.

Ta tự hỏi phải chăng mớ tri thức đó đã cản trở cái trực giác đua đến sự biến cải và tính bén nhạy vượt ngoài ngôn từ. Ta có bị tiêm nhiễm bởi báo chí và cái xã hội mà ta đang sống (và đã tạo ra, vì mỗi người, từ nhiều thế hệ đến nay, đều đã ít nhiều góp phần xây dựng nên cái xã hội vốn là thành phần của nhân loại)? Tư tưởng của ta có do hệ thống tôn giáo lập nên không? Tin triệt để vào một khuôn mặt hay một hình ảnh dễ làm ta khờ khạo chậm chạp.

Bạn có liên tục bận rộn đến nỗi không tìm ra được một khoảng trống nào để tâm trí và trái tim biết nghĩ đến mình và đến người chăng? Bạn cần có không gian, nhưng sống trong một thành phố đông đúc hay trong một gia đình lắm con thì thân xác bạn bị gò bó và tâm bạn đầy ắp mọi thứ cảm tưởng đưa đến căng thẳng. Theo tâm lý thì bạn cần có không gian.

Đừng ngộ nhận không gian là cái do tư tưởng biến ra, hay là sự cô lập, hoặc là thứ chính trị, tôn giáo, chủng tộc chia rẽ con người, hay là cái ngăn cách các châu lục, mà không gian đây là một khối không có điểm giữa cũng chẳng có chu vi.

Hãy xét lại xem có phải từ khi trở thành những chuyên gia bạn bị kém tinh vi nhanh nhẹn? Vì được đào luyện đặc biệt, bạn có thể rất bén nhạy trong phạm vi của mình, nhưng bạn có nhận thức được bản chất của đau khổ, của cô đơn, v.v…không? Đương nhiên là người ta không uốn nắn tâm trí cho nó trở nên sáng suốt và thánh thiện được, vì uốn nắn là hạn hẹp. Tâm trí mà bị hạn hẹp thì làm sao có thể sáng suốt được?

Này anh bạn, đấy là tất cả những nguyên nhân khiến tâm trí bị kém tinh vi, đúng đắn và sáng suốt.

Thưa Ngài, con xin đội ơn Ngài đã đón nhận con. Có lẽ con chưa hiểu hết được những gì Ngài dạy bảo, nhưng con hy vọng có vài hạt giống mà Ngài đã trồng sẽ đâm chồi và con sẽ để cho những chồi non ấy nẩy lộc đơm hoa mà không quá thúc bách chúng. Có lẽ lúc ấy con sẽ thấy hoặc hiểu mọi sự thật nhanh mà không cần được giải thích hay phân tích từng lời. Xin kính chào Ngài.

Thứ sáu, 25 tháng 3 năm 1983

Hôm nay là buổi sáng thứ hai của mùa xuân. Cảnh vật đẹp một cách lạ lùng. Đêm qua trời đã mưa rất nhiều, tất cả đều được cọ rửa sạch sẽ y như mới, và những chiếc lá đều sáng lên dưới ánh bình minh. Ta hít thật sâu cho đầy lồng ngực hương thơm của ngàn cánh hoa, và ngắm nhìn bầu trời xanh thẳm ẩn hiện những cụm mây trôi lững lờ. Ôi sao sáng hôm nay đẹp quá, nhất là khi nó thuộc về mọi người chứ không phải của riêng ai. Một buổi sáng tinh mơ, buổi sáng mà người ta cầu mong đừng vội qua đi. không khí ở trên thung lũng này thật trong lành với ánh sáng thật êm dịu, lấp lánh và thanh tịnh. Những cây cam với những trái vàng óng đã được mưa rửa sạch bóng lên như đón chào ánh ban mai đầu tiên trong đời. Đất sũng nước và núi đầy tuyết tạo nên một buổi sáng đẹp khôn tả.

Ở tít đằng xa kia, những ngọn núi làm đường viền cho thung lũng đang chờ ánh triêu dương xua tan khí lạnh của đêm qua. Tất cả những tảng đá, những viên sỏi và ngọn núi xinh xinh như bừng sống dậy.

Ta hãy ngồi xuống đây, im lặng, xa cách hẳn mọi sự, để ngắm nhìn bầu trời, để cảm nhận mùi đất trọn vẹn và cái thuần tịnh mỹ miều của tất cả những gì đang sống và đang máy động mà không có con người xen vào. Con người cứ như thế mãi từ bao nhiêu thế kỷ nay, và vẫn cứ như thế ngày nay, ngày mai, ngày mốt. Thời gian và chuyển biến đã đưa con người trở về với thực tại. Tương lai của họ cũng vẫn là như thế, trừ phi có một cuộc cách mạng tâm linh thật sâu sắc và vững chãi.

Theo quan niệm vật lý cũng như tâm linh thì thời gian rất quan trọng với mỗi người trong chúng ta – thì giờ để học hỏi, để thâu thập một kinh nghiệm, để trở thành và để chết. Ta cần thời gian để học thêm một ngoại ngữ, để trau dồi đạo đức, để ăn nói và để đón nhận những hiểu biết. Không có thời gian thì ta khó mà tom góp của cải hầu xây dựng nên một căn nhà: phải có thời gian để đúc gạch; để đi đây đi đó. Thời gian là một yếu tố tối cao của cuộc sống – để thâu thập, để tiêu xài, để lành bệnh hay để viết một lá thư. Bạn cho là ta cần thời gian tâm lý, thời gian của cái đã xảy ra, bị thay đổi trong hiện tại và tiếp diễn trong tương lai. Thời gian là quá khứ, hiện tại và vị lai. Trong thâm tâm, con người bám vào thời gian tất cả hy vọng; hy vọng và thời gian chỉ là một. Tương lai với những ngày mai dành dụm cho ta thời gian để nội tâm được trưởng thành – là cái này và thành cái kia. Theo tính cách vật lý thì trở thành là nhỏ biến ra to, còn theo tính cách tâm lý thì từ vị trí tầm thường bạn tiến dần đến địa vị tối cao.

Ta cho là mình cần thời gian để đổi “cái này” thành “cái kia”. Những từ “hy vọng” và ” biến đổi” cũng có nghĩa là thời gian. Rõ ràng là ta cần thời gian để đi du lịch, để ghé vào một hải cảng hay một quốc gia nào đó nghỉ ngơi sau một cuộc hành trình dài rồi đi tiếp đến một nơi đã định trước. Điểm hẹn này là tương lai. Bạn muốn lập thành tích, muốn thâu thập, muốn vun bồi tay nghề qua quá trình thực tập ư? Trong địa hạt ấy thời gian không những cần thiết mà còn là điều kiện tất yếu. Nhưng rồi sang địa hạt tâm lý bạn cũng nghĩ theo cách đó. Nhưng sự trở thành về tâm lý có thực hiện hữu chăng? Chúng ta bảo có, xem như lẽ đương nhiên mà không bao giờ xét lại. Các tôn giáo và sách vở nói về tiến hóa đã dạy chúng ta là cần có thời gian để biến “cái đang là” thành “cái sẽ là”; và thời gian là khoảng cách phải vượt qua. Chúng ta cho là sự chuyển di từ bạo động sang bất bạo động có nghĩa là hết cay đắng đến ngọt bùi, và cần có nhiều thời gian để đạt được lý tưởng đó. Trong đời sống, ta mù quáng chạy theo mô hình này mà không xem xét kỹ càng, không nghi ngờ gì cả. Ta cứ nhắm mắt tin theo lề thói từ ngàn xưa truyền lại. Quá trình thực hiện lòng mong mỏi ấy thật gay go và là một trong những tai họa của con người.

Thời gian biến đổi cái đang là thành một thứ gì hoàn toàn khác hẳn, có thật sự là thành phần của lãnh vực tâm lý không? Những lý tưởng, những lý thuyết chính trị hay tôn giáo có liên quan gì đến sự biến đổi ấy không? Không phải đấy cũng chỉ là những quan niệm do con người đặt ra rồi từ đó nảy sinh những chống trái sao? Nói cho cùng thì những lý thuyết phe tả hoặc phe hữu hoặc phe trung lập đều phát xuất từ hành vi nghiên cứu, cân nhắc, phán đoán một ý tưởng rồi đưa đến một kết luận, để không còn thắc mắc gì nữa. Những lý thuyết đã hiện hữu từ ngàn xưa, bao lâu con người còn có thể nhớ được. Chúng có cùng một bản chất với những đức tin khiến con người chia cách nhau. Sự chia rẽ này ngày càng rõ rệt hơn: từ “cái tôi”, cái tự ngã, từ cá nhân đến gia đình, từ gi đình đến đoàn thể, từ bộ tộc đến quốc gia. Những phân chia bộ tộc có bao giờ bị quá tải không? Con người luôn cố gắng hợp nhất các quốc gia vốn chỉ là những bộ lạc vĩ đại nhưng họ cứ mãi mãi thất bại: các quốc gia vẫn giữ nguyên vị trí của mình. Sự tiến hóa đã chia rẽ các đoàn thể, và các cuộc chiến vì lý do tôn giáo hay vì lý do nào khác cứ bùng lên. Thời gian không thay đổi được chiến tranh. Sự hiểu biết, kinh nghiệm và những kết luận cuối cùng phát xuất từ đấy không bao giờ nảy sinh được sự cảm thông phổ quát, một mối liên hệ với toàn thế giới, một tinh thần tổng hợp.

Cần nên biết xem có thể thay đổi “cái đang là”, cái hiện tại, mà không để ý đến sự di chuyển của thời gian. Bạn có thể nào thay đổi được sự bạo động – mà không cần phải trở nên bất bạo động, vì như thế là đối chiếu với cái đang là, và là một giao động của tư tưởng? Bạn có thể thay đổi lòng ham muốn với tất cả những gì đồng nghĩa với nó mà không cần đến thời gian? Bạn phải biết là danh từ ” thay đổi” có nghĩa là khái niệm thời gian, và danh từ “chuyển biến” không có nghĩa ấy, vì chuyển biến là sự chuyển di từ một hình thức này sang một hình thức khác. Nhưng bạn muốn dập tắt ao ước mà không cần đến thời gian ư?

Thời gian là tư tưởng. Thời gian là quá khứ. Thời gian là động cơ. Bạn có thể nào thay đổi – xin chú ý đến từ ngữ này – mà không cần đến động cơ không? Từ ngữ động cơ chính nó đã không bao hàm một hướng đi, một kết luận sao? Khi bạn đã có một mục đích thì bạn không cần phải thay đổi cái gì cả. Lòng ham muốn cũng có một kết cấu phức tạp. Ước ao thay đổi hay ý muốn thay đổi trở thành một động cơ, và chính động cơ này biến dạng cái gì cần thay đổi, cái gì cần chấm dứt. Sự chấm dứt không có trong thời gian.

Mây thong thả tụ lại quanh ngọn núi, dần dần che khuất mặt trời rồi tuôn ra những giọt mưa hệt như cảnh tượng ngày hôm qua. Mùa mưa đang ngự trị vùng này; mưa không bao giờ đến trong mùa hè; khi trời nắng hạn thì thung lũng như một bãi sa mạc. Bên kia những ngọn đồi là bãi sa mạc kéo lê thê đến vô tận. Nhưng sa mạc với không gian bao la lại tuyệt đẹp vào các mùa khác. Khi mùa xuân rũ áo ra đi thì vạn vật đều nóng lên, khiến cây tàn, hoa rụng. Cái nóng khô cằn đã làm tất cả đều trong sáng.

Thưa Ngài, tại sao Ngài bảo là thời gian không cần thiết cho sự thay đổi?

Ta hãy cùng tìm hiểu sự thật mà không chấp nhận cũng không từ chối những gì đã được nghe nói, hãy cùng bàn bạc để khai triển vấn đề. Từ xưa đến nay các cụ đã dạy chúng ta rằng muốn thay đổi phải có thời gian, có phải không? Thời gian trở nên quan trọng hơn người ta tưởng. Ở đây chúng ta không nên nói đến thời gian vật chất cần thiết cho việc thâu thập một kinh nghiệm, mà nên tự hỏi rằng tâm lý có khi nào trở nên đáng kể và tốt đẹp hơn nó đang là, khi đạt đến một trình độ ý thức triệt để. Đây là một giao động của đo lường, của so sánh. Bây gời chúng ta xét đến ý nghĩa của sự thay đổi. Chúng ta đang sống trong sự hỗn loạn, mê mờ, lưỡng lự, và thường chống đối cái này hay o bế cái kia. Chúng ta khoái được khen và sợ bị phạt. Ta muốn được an ổn, nhưng những gì ta làm lại gây nên bất an. Cái này, và cái còn lại, làm xáo trộn cuộc sống thường nhật của chúng ta. Ta không thể lôi thôi hay lơ là với công việc chẳng hạn. Ta phải chính xác, suy nghĩ rõ ràng và hợp lý. Nhưng ta lại không duy trì thái độ này trong phạm vi tâm lý. Ta luôn cần chạy trốn cái đang là, trở nên khác hẳn với cái mà ta tưởng tượng ra, tránh né những nguyên nhân của rối loạn.

Con hiểu điều này, anh ta nói. Quả vậy, con chạy trốn cái đang là. Con chưa bao giờ xem xét một cách cẩn thận và ý tứ cái gì đang xảy ra trong con. Con chỉ tìm cách loại bỏ hoặc tôn vinh cái đang là. Nếu phải chịu đựng một nỗi khổ thật lớn trong tâm, con không bao giờ quan sát nỗi đau đớn ấy thật sâu. Con muốn tức tốc xóa bỏ nỗi khổ ấy để tìm một nguồn an ủi khác. Và luôn luôn có một trận chiến để đạt đến trạng thái không biết đau khổ hay phức tạp là gì. Nhưng càng cố sắp xếp lại trật tự thì dường như con lại càng bị rối loạn hơn và hậu quả là lắm chuyện rắc rối phát sinh theo.

Bạn có nhận thấy rằng khi mà những chính trị gia muốn giải quyết một vấn đề, thì chính là lúc họ tạo ra vô số rắc rối khác không? Và chuyện này cứ tiếp diễn mãi.

Thưa Ngài, có phải Ngài muốn nói là thời gian không phải là yếu tố của sự thay đổi? Con hơi nhận ra điều này, nhưng chưa hiểu rõ lắm. Như vậy theo Ngài thì con bị thúc đẩy bởi sự thay đổi, và động cơ này chính nó lại làm trở ngại sự thay đổi. Quả vậy, động cơ là lòng ham muốn của con, và sự khao khát này thúc ép con trốn chạy nỗi chán chường khó chịu để tầm cầu một trạng thái dễ chịu làm mình sung sướng. Một mục đích hay một nguyên nhân cuối cùng rồi cũng phải phô bày hình trạng của nó về mặt tâm lý. Con hiểu điều này. Con nhận được điều Ngài nói. Con bắt đầu mường tượng ra ẩn ý của sự kiện thay đổi vượt thời gian.

Thế thì ta hãy tự hỏi xem có sự nhận thức nào về cái đang là mà không cần có khái niệm thời gian không. Nói cách khác thì ta có thể nào nhìn, hoặc quan sát cái đang là mà không cần nhắc đến quá khú, đến những kỷ niệm chồng chát, những tên tuổi, những từ ngữ, những hành động không? Ta có thể nào quan sát cảm nghĩ, một phản ứng mà ta gọi là ước muốn chẳng hạn, mà không cần đến sự can thiệp của người tạo tác, của người ôm ấp các kỷ niệm về những sự cố đã qua?

Thời gian không đơn thuần là chuyện mặt trời mọc rồi lặn hôm nay, hôm qua hoặc ngày mai, mà là một chuyện phức tạp và tinh tế hơn nhiều. Để thật sự hiểu được thiên nhiên và chiều sâu của thời gian, ta cần phải thiền quán về trường hợp ngẫu nhiên trong đó thời gian ngừng lại. Ở đây ta không nói đến thời gian hư cấu hay những lý luận dị thường lãng mạn do trí tưởng tượng vẽ vời nên, mà ta muốn tự hỏi xem có bao giờ thời gian trong lãnh vực tâm lý thật sự đọng lại. Đấy mới là vấn đề. Bạn có thể phân tích bản chất của thời gian, nghiên cứu, khám phá xem diễn tiến tâm lý là một sự thật hay một hy vọng mong manh của con người đang tìm cầu một cái gì đem lại an ổn dễ chịu cho mình. Thời gian có bắt nguồn từ trên trời không? Khi ngắm nhìn bầu trời với các hành tinh và vô số những vì sao, bạn có thể hiểu được vũ trụ với một đầu óc lệ thuộc vào thời gian không? Bạn có cần phải có thời gian để nhận thức và hiểu rõ động tác mạnh mẽ của vũ trụ và của con người có được tri giác về sự thật vĩnh cửu không?

Ta có thể nào gợi ý rằng phải luôn luôn quan sát ( chứ không chỉ nghĩ đến) toàn thể các động tác của thời gian, và động tác này không gì khác hơn là động tác của tư tưởng? Thời gian và tư tưởng không phải là hai thứ tách biệt nhau, hai hành vi hay hai động tác khác biệt. Thời gian là tư tưởng và tư tưởng là thời gian. ta cũng có thể hỏi xem khi nào thì tư tưởng, tức là cái hiểu biết, hoàn toàn đứng lại. Cái biết là thời gian, giống như tư tưởng, và ta tự hỏi xem đến khi nào con người mới thôi tích chứa hiểu biết, thôi gom góp thật nhiều thông tin và thôi tiến sâu vào những phức tạp của hiện hữu. Tư tưởng có khi nào dừng lại khi đang tạo nên tinh túy của tâm linh như nỗi sợ hãi, niềm vui, lòng khắc khoải, nỗi cô đơn, cơn thống khổ và cái khái niệm mình khác người? Hành vi tự kỷ này có thể chấm dứt hoàn toàn không? Chúng chỉ chấm dứt khi chết đi. Đây không phải là cái chết vĩnh viễn mà chỉ là sự đình chỉ một nhận thức về tư tưởng và về thời gian.

Suy cho cùng thì biết nghĩa là tích chứa đủ thứ kinh nghiệm trong thời gian, là thâu thập mọi sự cố và dữ kiện; là dồn chứa vào trong đầu, và từ đó tạo nên tinh túy của thời gian. Khi nào thì bạn cần thâu thập, và về mặt tâm lý, không thâu thập có được không? Điều quan trọng không phải là chọn lọc những tri thức hay những kỹ thuật thiết yếu, mà là hiểu rõ bản chất và nguyên nhân vì sao con người thâu thập để từ đó hành động rồi phản ứng. Khi cảm thấy bị xúc phạm hoặc bị tổn thương về mặt tâm lý bởi một lời nói, một cử chỉ hay một hành vi, thì tại sao bạn phải ghi nhận sự tổn thương ấy? Bạn không thể phớt lờ lời nịnh hót hay mắng chửi, để tâm khỏi chất chứa quá nhiều ngõ hầu được thảnh thơi, và chấm dứt thói ngã chấp sao? Cái tự ngã do thời gian và tư tưởng tạo thành? Bạn luôn sợ hãi cái mà mình chưa hề thấy, gặp gỡ hay quen biết. Không ai tạo kinh nghiệm về sự thật cả. Muốn có kinh nghiệm thì phải có một chủ đề. Chủ đề của kinh nghiệm là sản phẩm của thời gian, của sự dồn chứa những kỷ niệm, những hiểu biết, v.v…

Như ta đã từng nói, thời gian cần được hiểu bén nhạy và chăm chú. bạn có thể nào hiện hữu trong đời sống hằng ngày mà không có chút khái niệm nào về thời gian không? Xin lỗi, từ ngữ khái niệm không thích hợp lắm, nhưng hãy nói nội tâm ta có thể nào sống không thời gian? Những đám mây trên trời không ở trong thời gian và tư tưởng.

Thưa Ngài, những gì Ngài nói quả là một thực tại thường nhật. Khi nghe Ngài nói về thời gian và tư tưởng, con cảm thấy những bình luận ấy đơn giản và sáng sủa đến nỗi con có cảm tưởng thời gian quả có ngừng lại trong một hoặc hai giây. Nhưng nếu con quay về với guồng máy của mình với sự chán chường mỏi mệt, thì ngay cả thú vui cũng trở nên nhạt nhẽo. Con sẽ trở lại với sự vận hành cũ rích của mọi sự. Con thấy thật khó mà buông bỏ cuộc đời này để bình thản nhìn thời gian xoay vần. Nhưng con bắt đầu hiểu ( và con tin là không phải chỉ bằng lời nói suông) rằng ta có thể không ghi nhận, nếu con được phép lập lại từ ngữ Ngài đã dùng. Con nhận ra rằng mình giống như một cái dĩa lập trình để là cái này hay là cái nọ. Nhận ra chuyện này rồi gạt nó qua một bên thì quá dễ. Nhưng muốn ngừng suy tư và chấm dứt cái thời gian phức tạp thì đòi hỏi sự chú ý triệt để và quan sát kỹ càng. Nhưng ai là người làm việc này, nếu chính người làm việc đó cũng là sản phẩm của thời gian? Con nắm được một điều. Đúng ra Ngài bảo: hãy nhìn mà không có phản ứng, hãy chú ý đến những chuyện bình thường của đời sống rồi tìm ra trong đó cái khả năng chấm dứt thời gian và tư tưởng. Con xin cám ơn Ngài về buổi nói chuyện lý thú hôm nay.

Thứ hai, 18 tháng 4 năm 1983

Một tiếng đồng hồ nữa mặt trời mới thức dậy để khai trương một ngày mới. Trong màn đêm, cây cối lặng yên đón chờ ánh triêu dương xuất hiện sau những dãy đồi. Hãy cất tiếng cầu nguyện cho rạng đông, thật nhẹ nhàng mà tỏa khắp thế gian. Và ở đây, trong ngôi nhà an tịnh và tách biệt với những cây cam và các loài hoa làm rào chắn này, tất cả đều im lặng một cách tuyệt vời. Chim chưa hót mừng bình minh. Đất còn say ngủ ở đây, một nơi xa hẳn xã hội và mọi ồn náo, thô bạo, tầm thường với những bài diễn văn chính trị.

Thật thong thả, thật khoan thai, ánh triêu dương vươn mình xuất hiện cùng với tiếng kêu của chim cú và cú mèo xóa tan màn đêm yên tịnh. Ở đây có nhiều cú mèo lắm, bạn có thể nghe chúng gọi nhau ơi ới. Rồi các ngọn đồi và cây cối đồng tỉnh giấc. Trong bầu không khí lung linh, những giọt sương lấp lánh trên ngọn lá khi mặt trời leo lên những chóp núi. Những tia nắng đầu tiên vướng vào các cành cây lớn, vào cây cổ thụ, rồi nô đùa ở đấy thật lâu. Và con chim cú bắt đầu rúc lên nhè nhẹ. Văng vẳng tiếng kêu của con công phía bên kia đường, cạnh những cây cam. Ta cũng có thể nghe được vài tiếng kêu ấy ở đây. Và ngày mới bắt đầu thật đẹp, thật tinh khôi, tươi mát, yêu kiều mà không bợn kỷ niệm cũng chẳng nhuốm khát khao.

Ta kinh ngạc xiết bao trước vẻ mỹ miều của những quả cam bóng loáng nổi bật từ tàng lá sum sê, và của những bông hoa rực rỡ. Ánh sáng huy hoàng dường như chỉ dành riêng cho cái góc nhỏ bé này của trái đất. Ta ngỡ ngàng trước con tạo dường như luôn có mặt ở đây – không phải là tác phẩm của một tư tưởng hoạt bát, mà là của một buổi mai mát mẻ, sinh động, trong sáng hơn bao giờ hết. Kìa là những ngọn đồi xanh lơ bao quanh chúng ta. Đây chính là sự khởi đầu của một ngày mới tuyệt vời có một không hai.

Một con sóc xòe đuôi dài run rẩy sợ sệt trong cây tiêu chỉ còn trơ vài cành lá. Giống như cây cổ thụ, cây đã cằn cỗi sau bao năm chống chỏi với giông bão. Vào buổi sáng tươi mươi đầy sức sống bất tận này, cây quên hẳn tuổi tác, quên tuốt chông gai mà đứng vững như một phép lạ. Không một ký ức nào ghé thăm buổi tinh mơ này. Những ngày cũ đã qua đi và ô kìa, có tiếng chim cú từ bên kia thung lũng, ánh nhật quang đã chồm qua ngọn đồi bao trùm khắp mặt đất. Mặt trời cũng không có gì để nhớ. Cây cối lá hoa tắm mình trong nắng cũng không màng đến thời gian. Tất cả đang tận hưởng phép lạ của này mới.

Chúng con muốn có sự tiếp nối, anh ta nói. Sự liên tục là một phần đời sống của chúng con. Đấy là huyết mạch của những thế hệ tiếp theo, của truyền thống, của những thứ mà chúng con đã quá quen và còn giữ kỷ niệm. Chúng con rất cần sự thường còn ấy, không có nó thì chúng con sẽ ra sao? Dường như sự tương tục bén rễ tận xương tủy chúng con. Hiện hữu tức là ở trong thời gian. Cái chết có thể đến, biết bao nhiêu thứ có thể chấm dứt nhưng sự thường còn vẫn tồn tại. Chúng con đi ngược thời gian để tìm cội nguồn, gốc tích của mình. Nếu chúng con để ý tới những thứ này và có được những dấu vết về nguồn gốc của gia đình mình thì chúng con có thể nối tiếp nó hàng nhiều thế kỷ, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các tôn giáo, lý thuyết , quan niệm, giá trị, phán xét, kết luận đều được duy trì và hiện hữu ở những thứ mà chúng con nhớ được. Từ khi con sanh ra cho đến lúc chết đi, sự thường còn vẫn ở bên con với tất cả các kinh nghiệm, các hiểu biết do con người thu thập. Đấy có phải là ảo ảnh không?

Cái gì được phú cho sự thường còn? Cây cổ thụ ngoài 200 năm tuổi kia có được sống còn cho đến khi chết chăng, hay lại bị loài người đốn ngã không biết lúc nào. Trường tồn là cái gì mà con người phải ao ước đến thế? Có phải là tên tuổi, vóc dáng, trương mục trong ngân hàng, kỷ niệm… hay không? Trí nhớ mà được dai dẳng là do luôn nghĩ đến cái gì đã xảy ra. Toàn thể tâm linh chính là trí nhớ chứ có là gì khác đâu. Người ta gán rất nhiều thứ vào tâm linh: nào là phẩm chất, nào là đức tính, nào là những hành động ngu xuẩn lẫn những hành vi thông thái trong thế giới nội tâm cũng như thế giới bên ngoài. Và nếu quan sát kỹ sự liên tục không một chút thành kiến lẫn kết luận thì ta sẽ nhận thức được cái tiếp diễn trong tất cả sự hiện hữu của ta, trong chiều rộng của các kỷ niệm, của các sự cố đã qua và đấy chính là cái mà chúng ta bám víu vào một cách vô vọng.

Con sóc đã trở về. Nó đã đi đâu suốt mấy tiếng đồng hồ rồi vừa quay lại vắt vẻo trên cành cây nhâm nhi cái gì đó. Nó quan sát, nghe ngóng, xiết bao nhanh nhẹn, nhí nhảnh, tỉnh thức, cử động liên hồi. Nó đi tới đi lui mà không báo cho bạn biết là đi đâu và khi nào mới về. Mặt trời trên cao tỏa thật nhiều sức nóng, con chim cú và những con chim đã bay đi. Vài con bồ câu bay thành đàn từ chỗ này sang chỗ khác. Chúng vỗ cánh rầm rộ trong không gian. Ở đây cũng có một con chồn nhưng đã lâu lắm rồi ta không trông thấy nó. Chắc nó đã ra đi vĩnh viễn vì nơi đây đông người quá. Ta cũng thấy rất nhiều loài gặm nhắm, nhưng con người ở đây ác lắm trong khi con sóc này lại bé nhỏ nhút nhát và bất thường như chú én kia.

Ngoài việc tiềm ẩn trong trí nhớ thì sự liên tục có bao giờ xuất hiện trong con người, trong tâm trí của họ, trong một địa điểm, trong một lãnh vực lớn hay nhỏ, nơi mà trí nhớ vắng mặt hay chưa từng ghé qua không? Ta cần phải quan sát tất cả những thứ này, phải tiến tới một cách vô tư, hợp lý, phải thấy được mọi phức tạp và khúc quanh của trí nhớ cùng với tiếp diễn của nó tức là sự hiểu biết. Cái biết luôn ở trong quá khứ, và là quá khứ. Quá khứ là một trí nhớ góp nhặt khổng lồ, tức là truyền thống. khi ta đã quan sát tỉ mỉ và vô tư tất cả những thứ đó xong, thì câu hỏi đương nhiên phải là thế này: có hiện hữu chăng một vùng nào không phải là kết quả của trí nhớ và của diễn tiến của sự trường cửu trong tâm trí, trong tâm khảm của khúc quanh hay trong bản chất và kết cấu nội tâm của con người, chứ không phải ở những hoạt động bên ngoài?

Những ngọn đồi và cây cối, những cánh đồng và khu rừng sẽ tồn tại lâu như trái đất nếu con người không phá hoại chúng do nhẫn tâm hay vì chán nản. Con sông và ngọn suối khởi nguồn của nó đều có một sự liên tục, nhưng không bao giờ chúng ta tự hỏi xem những ngọn đồi và bên kia những dãy đồi có sự liên tục nào không.

Nếu không có sự thường còn thì có cái gì? không có gì cả. Chúng ta đã từng sợ mình không là gì cả. Không là gì có nghĩa là không có một vật gì hiện hữu. Không có một thứ gì được tư tưởng nhóm họp lại, không có cái gì có thể được trí nhớ và kỷ niệm tái tạo, không có vật gì có thể được diễn tả bằng ngôn từ rồi tự đo lường. Chắc chắn là phải có một lãnh vực nơi đó quá khứ không ruồng bỏ cái bóng của mình, nơi mà thời gian, quá khứ, tương lai hay hiện tại không có ý nghĩa gì hết. Chúng ta đã luôn luôn cố gắng đo lường bằng ngôn từ cái mà chúng ta không biết. Chúng ta cố gắng hiểu cái chúng ta không biết bằng cách khoác lên nó một lớp ngôn từ, biến nó thành một tiếng động liên tục. Và thế là ta chứa đầy tâm trí mình, một tâm trí vốn đầy ắp những sự cố đã qua, những kinh nghiệm và hiểu biết. Chúng ta tưởng là sự hiểu biết có tâm lý rất quan trọng nhưng ta đã hoàn toàn sai. Ta không thể lớn mạnh lên bằng hiểu biết; sự hiểu biết cần phải chấm dứt để cái mới có thể xuất hiện. Mới là một ngôn từ đại diện cho cái gì chưa từng có trước đây. Và lãnh vực này chỉ được thông hiểu hoặc nắm bắt bằng những từ ngữ hay những biểu hiện: nó vượt qua tất cả những kỷ niệm.

Thứ tư, 20 tháng 4 năm 1983

Trên đầu mỗi ngọn lá to hay nhỏ vừa được mưa gội sạch đều có một giọt nước lung linh dưới nắng mai, một viên ngọc tuyệt vời mà làn gió thoảng không làm sao thổi đi được. Sáng hôm ấy trời thật êm, thật vui, thật an lành với bầu không khí đầy ân sủng. Hãy ngắm nhìn cái ánh sáng long lanh lơ lửng trên đầu ngọn lá tươi mươi, trái đất mới đẹp làm sao mặc dù những sợi dây điện treo trên những cây cột trông thật gớm ghiếc. Dù bị quấy nhiễu bởi mọi tiếng ồn, mặt đất vẫn màu mỡ, vững vàng, chắc chắn. Đất vẫn huy hoàng dù có lúc bị lay chuyển bởi những trận động đất quái ác. Ta chỉ có thể thưởng thức được mặt đất nếu ta thật sự tiếp xúc với nó, làm việc với nó, sờ tay vào bụi trên nền, nhặt lên những viên sỏi hay nhấc bổng những tảng đá, như thế ta mới có thể khám phá được cái cảm giác tương quan lạ lùng với mặt đất, hoa lá, cây cối, cỏ rậm , hàng rào.

Sáng hôm nay vạn vật đều hân hoan thức dậy, bầu trời xanh ngắt khi ánh triêu dương vươn qua những rặng đồi và tỏa sáng khắp nơi. Ta ngắm nhìn con sáo làm trò trên sợi dây; nó nhảy thật cao, tung mình thật hãi hùng rồi may thay lại rơi xuống đúng vào vị trí cũ. Nó nghịch ngợm phóng lên thật cao rồi uốn thành những vòng tròn rơi xuống, bật lên những tiếng reo vui lanh lảnh trước cuộc đời. Khi ta nhìn nó thì chỉ có nó hiện hữu mà thôi chứ không có ta là người quan sát. Chỉ có chú chim màu xám trắng với cái đuôi dài. Ta quan sát mà không nghĩ ngợi gì cả, ta chỉ nhìn những trò chơi của con chim đang nô đùa.

Ta không bao giờ nhìn cái gì thật lâu cả. Khi ta kiên nhẫn quan sát mà không biết mình đang quan sát những con chim, những giọt nước trên những chiếc lá đong đưa, những con ong, những nụ hoa, đội quân kiến dài lê thê thì lúc ấy thời gian ngừng lại, thời gian chấm dứt. Ta không phí thì giờ để ngắm nhìn hay kiên nhẫn. Ta học được rất nhiều nhờ quan sát: nhờ nhìn cách đi đứng, lối nói chuyện, điệu bộ của người khác mà ta biết được họ có hãnh diện hay lơ là về thân thể của mình không, hay lơ đễnh hoặc chai lỳ.

Một con diều hâu ở tuốt trên trời cao lượn thành những vòng lớn mà không hề vỗ cánh, rồi mất hút sau những rặng đồi theo làn gió. Hãy quan sát, hãy học hỏi: học hỏi cần có thời gian, nhưng quan sát không chiếm chút thì giờ chút nào của bạn đâu. Bạn cũng có thể lắng nghe không chút gián đoạn, không một phản ứng, không tí thành kiến nào: hãy nghe tiếng sấm trên trời, cái tiếng sấm nổ vang trong những dãy đồi. Bạn có hoàn toàn lắng nghe đâu, mà thường để tâm sang chuyện khác. Nhìn hay nghe là một nghệ thuật – hãy nhìn, hãy nghe với cả tấm lòng, đừng khởi lên một chút xíu nào cái cảm giác ta đang nghe hay ta đang nhìn. Chắc chắn là ta học được nhiều điều qua mắt thấy tai nghe hơn là đọc sách. Sách vở tuy rất quan trọng, nhưng ta dễ nắm được ý nghĩa hơn nhờ quan sát và lắng nghe. Vì nói cho cùng thì trí tuệ là trung tâm của tất cả những hành động, tư tưởng, ký ức. Nhưng nếu bạn hoàn toàn tỉnh giấc thì bạn mới có thể thật sự quan sát, nghe ngóng, học hỏi, nhờ thế không những biết mình nên hành động như thế nào, mà bạn lại còn hiểu được ý nghĩa của sự học hỏi, vì đấy chính là điều kiện tất yếu khiến lòng tốt được thăng hoa.

Khi đã quan sát và lắng nghe thật đơn thuần và sáng suốt, thì bạn khởi lên một nhận thức: bạn cảm được màu sắc của những cánh hoa đỏ, vàng, trắng, những chiếc lá mới, những cuống hoa óng mượt, mong manh, bạn nhận ra bầu trời, mặt đất và những con người đi ngang qua nhà bạn. Họ vừa đi vừa nói huyên thuyên trên suốt con đường dài này mà không hề ghé mắt đến cây cối, hoa lá, bầu trời với những dãy đồi. Họ còn không ý thức được cái gì đang xảy ra quanh mình nữa là. Họ bàn rất nhiều về môi trường, về những điều cần thiết để bảo vệ thiên nhiên, nhưng lại không ý thức được vẻ đẹp và sự tĩnh mặc của núi đồi, hay nét uy phong của cây cổ thụ. Họ cũng không biết được mình đang nghĩ gì, đang làm gì, đang đi ra sao hay đang ăn mặc như thế nào. Điều này chứng tỏ họ rất tự tôn trong nhận xét của mình, trong việc nhận thức các sự kiện, trong khi chính mình lại không tỉnh thức.

Khi tỉnh thức bạn sẽ biết mình nên làm điều này đừng làm điều kia, nên thích cái này chê cái nọ. Bạn thấu suốt tận đáy lòng mối thành kiến, nỗi sợ hãi, cơn khắc khoải, niềm vui, cùng các lạc thú của mình; trong tất cả những cảm nghĩ ấy bạn đã từng đắn đo và cho rằng chính sự cân nhắc đã đem tự do đến cho bạn. Bạn thích cái tự do lựa chọn ấy, và cho là phải có tự do mới lựa chọn được – hay đúng hơn do cân nhắc bạn cảm thấy mình được thoải mái – nhưng khi nhận ra mọi việc thật rõ ràng thì bạn không còn cần phải chọn lựa nữa.

Và thế là bạn tỉnh thức mà không lựa chọn, một nhận thức không có ưa ghét xen vào. Cái nhận thức hoàn toàn đơn giản, thuần tịnh và không cân nhắc ấy đưa đến một yếu tố khác: sự chú ý. Từ ngữ chú ý có nghĩa là nắm bắt và duy trì, nhưng vẫn còn bị giới hạn trong lãnh vực tư duy. Sự quan sát, sự tỉnh thức và sự chú ý tùy thuộc vào trí óc bị giới hạn và bị ảnh hưởng bởi những thói quen của biết bao thế hệ đã qua, những cảm tưởng, những truyền thống, tất cả những cảm nghĩ đúng sai của con người. Do đó, tất cả các hành động xuất phát từ sự chú ý ấy đều bị hạn hẹp, và cái gì hạn hẹp đương nhiên phải đưa đến hỗn độn. Nếu bạn chỉ nghĩ đến mình suốt từ sáng đến chiều – nào là lo âu, ham muốn, khát khao và thực hiện – thì sự tự tôn quá ích kỷ này chỉ là nguyên nhân của mối bất hòa trong sự tương quan với người khác vốn cũng hẹp hòi; và đấy là nguyên nhân của chia rẽ, căng thẳng và rối loạn trong mọi khía cạnh, khối bạo động âm ỉ của con người.

Khi hoàn toàn chú tâm không chút đắn đo đến tất cả những sự cố ấy thì bạn có được cái nhìn hướng nội, gọi là nội quán. Nội quán không là hoạt động của kỷ niệm, một tiếp nối của trí nhớ, mà là một tia chớp của ánh sáng. Trong ánh sáng tuyệt đối ta thấy rõ tất cả những rắc rối, những ảnh hưởng, những tương quan. Như vậy nội quán là hành động, một hành động tuyệt vời không bợn hối hận cũng không tiếc quá khứ, không mặc cảm tự ti cũng không trốn tránh. Chỉ thuần là nội quán trong sáng – một tri giác không nhuốm hoài nghi.

Đa số chúng ta thường bắt đầu bằng quả quyết, nhưng càng ngày thì sự chắc chắn càng trở nên bấp bênh, rồi ta sẽ chết trong hoang mang. Nhưng nếu ta bắt đầu bằng mập mờ, hoài nghi, đặt lại vấn đề, thắc mắc và lòng ham muốn tìm hiểu thật mãnh liệt, nếu ta thật sự nghi ngờ hạnh kiểm của con người, những lễ nghi tôn giáo với hình ảnh và biểu tượng của họ thì mối nghi ấy sẽ biến thành xác thực. Nếu bạn chỉ trầm tư về sự bạo động chẳng hạn thì chính nội quán này sẽ tẩy trừ mọi bạo lực. Nội quán không lệ thuộc vào trí óc, nếu ta có thể diễn tả như thế. Nội quán không là thời gian, không là kỷ niệm hay hiểu biết. Như vậy nội quán và hoạt động xuất phát từ đấy biến đổi các tế bào não bộ. Nội quán quả là hoàn hảo và từ sự toàn vẹn này, một hành động hiển nhiên, lành mạnh và hợp lý có thể xảy ra.

Tất cả những hành vi từ quán sát và lắng nghe cho đến nội quán thật ra chỉ là một hành động duy nhất; các sự kiện không thể xảy ra từng giai đoạn một, mà nhanh như tên bắn. Chính hành động này điều khiển trí óc chứ không phải nỗ lực của tư duy, một ý muốn do sự cần thiết thúc đẩy. Tất cả những thứ này liên quan đến thời gian và sự phó mặc thời gian. Người ta hay bị thời gian và sự vất bỏ thời gian chi phối. Do đó, chỉ khi nào bạn bặt dứt được khái niệm về tư tưởng và thời gian thì bạn mới có được nội quán sâu sắc. Khi ấy trí tuệ bừng sáng lên, và đấy chính là lúc bạn làm chủ hoàn toàn được tâm trí.

Thứ năm, 21 tháng 4 năm 1983

Tít trên những ngọn đồi, gần những cây tùng to lớn thanh cao, có vài túp lều rải rác. Một số những cây ấy đã có mặt từ thời cổ đại Ai-cập, hình như từ đế quốc Ramsès II. Những cổ thụ này tuyệt vời làm sao. Cái thân hồng hào của chúng chói sáng dưới ánh bình minh. Đấy không phải là những cây ăn trái; chúng còn giữ được lớp vỏ ngoài qua bao ánh lửa của người da đỏ với những dấu chân mờ lưu vết. Chúng vĩ đại thật nếu ta ngồi im lặng tựa lưng vào thân cây khổng lồ ấy, khi tia nắng ban mai soi sáng ngọn cây, thì những chú sóc gần đấy sẽ mon men đến gần. Những anh chàng này tò mò lắm, hệt như những chú chim sẻ tàu xanh biếc lúc nào cũng sẵn sàng gây sự, chúng hỏi xem bạn đang làm gì đó, bạn có biết là mình đang làm rộn chúng không, bạn phải rời nơi đây nhanh lên. Nhưng nếu ta cứ tỉnh bơ an tọa trước mọi dò xét của chúng mà ngắm nhìn vẻ huy hoàng của ánh nắng đang vuốt ve ngọn lá trong không gian tĩnh mịch, thì chúng sẽ để ta yên và chấp nhận ta như đã từng chấp nhận đồng loại sóc của mình.

Lúc ấy không phải là thời gian nghỉ hè nên các túp lều vắng tanh và sự tĩnh mịch của màn đêm trở nên khá lạ lùng. Thỉnh thoảng các chú gấu mò tới và ta nghe tiếng thình thịch của thân hình nặng nề của chúng va vào bức tường thành. Ta ngỡ mình đang ở một nơi hoang dã, nơi mà văn minh loài người chưa xâm nhập tiêu hủy. Để đến đây, ta phải vượt qua nhiều rặng núi càng lúc càng cao, đến khu rừng cù tùng xen lẫn những thác nước đổ tràn xuống các triền núi. Không khí thanh tịnh làm tăng thêm vẻ đẹp trong nét hùng vĩ của cây cối với những gốc rễ đắm chìm vào quá khứ xa thăm thẳm, bình an, trang nghiêm và hùng dũng, và mãi mãi duy trì sự bất động tuyệt đối trước những xôn xao của cuộc đời. Và trong cái túp lều được vây quanh bới các cây cù tùng cổ xưa này, chúng ta độc cư ngày này sang ngày khác, quan sát mọi thứ trong suốt các cuộc du hành trên những con đường vắng người. Đứng ở trên đây, ta nhận được sự rộn rịp của những chiếc phi cơ bay lượn trong ánh nắng cũng như của những chiếc xe hơi nối đuôi nhau như những con trùng. Nhưng ngay chỗ ta đứng lại không có con trùng nào cả, mà chỉ là từng đàn kiến đỏ thong dong bò lên chân ta không chút e dè.

Các chú sóc đến kiếm ăn. Một chú đến đây mỗi sáng: nó phóng qua thành cửa sổ, nhẩy lên bàn, dựng chùm đuôi cong sát đến đầu, rồi rút từ một cái túi lớn, từng hạt đậu phọng bất kể đã bóc vỏ hay chưa, nhét vào miệng cho đến căng phồng cả hai bên má. Thu góp xong, nó phóng qua thành cửa sổ, băng qua mái hiên rồi chui vào một hốc cây đã chết làm tổ ấm của mình. Trò này kéo dài có khi một tiếng đồng hồ hoặc hơn. Nó đã được thuần hóa và khi ta vuốt bộ lông mượt mà của nó, nó ngạc nhiên ngước mắt nhìn ta một cách thân thiện. Nó biết mình sẽ không bị tổn thương, không bị ai xâm hại. Một hôm trang bị đầy đủ lương thực xong, khi trở ra, thấy các cửa sổ đã đóng lại, nó hiểu ngay mình đã bị nhốt. Nó đến gần bàn, nhẩy lên và nhìn ta trách móc. Ai lại nỡ bắt giữ một sinh vật bé nhỏ đáng yêu này nhỉ? Ta bèn mở cửa ra, con vật vội nhanh nhẹn nhẩy từ trên bàn xuống, phóng qua cửa sổ để trở về tổ ấm của mình rồi lập tức quay lại đòi thêm một khẩu phần nữa. Biến cố này thắt chặt tình thân giữa chúng ta. Khi tổ ấm đã đầy đậu phọng dành cho mùa đông, nó có thể chạy nhảy thoải mái trên các cành cây, đuổi theo những con sóc khác, nhưng không quên để mắt đến gốc cây yêu dấu của mình. Thỉnh thoảng buổi chiều nó ghé qua, ngồi lên thành cửa sổ kể chuyện huyên thuyên về những gì đã xảy ra trong ngày, rồi, khi màn đêm buông xuống, nó phóng về tổ sau khi chúc ta ngủ ngon. Sáng sớm hôm sau nó đã đứng đấy gọi ta qua khung cửa kiếng, và ngày mới có thể bắt đầu. Các con vật khác của khu rừng này, dù một sinh vật bé nhỏ, đều làm như thế – gom góp thực phẩm, đuổi bắt các con khác vì cáu giận hay chỉ để nua đùa. Những con lớn hơn như nai chẳng hạn, lại tò mò nhìn ta. Một hôm, ở khúc quanh một con đường sỏi đá, ta gặp một con gấu cái béo phì với 4 đứa con mủm mỉm như những con mèo to. Gấu mẹ vội ra lệnh cho cả 4 gấu con nhanh chóng vọt lên trốn trên cây, rồi quay lại nhìn ta. Ta tò mò hơn là sợ hãi, và hai bên nhìn nhau đến hai ba giây đồng hồ hay hơn nữa. Ta bèn quay về con đường cũ. Về đến túp lều ta mới nhận ra rằng mình vừa thoát một pha nguy hiểm.

Cuộc đời là một tiến trình không ngừng trở thành chấm dứt. Cách đây không lâu, lãnh thổ rộng lớn này vẫn còn vẻ thiên nhiên tuyệt đối: chưa hề có phát triển kỹ thuật ở mức độ cao, cũng chưa bị sự thô tục lây lan như bây giờ. ngồi trên những bậc tam cấp ở cửa lều, ta có thể ngắm nhìn hoạt động náo nhiệt của các sinh vật, nào là kiến, thỏ, nai, gấu, sóc, và cả cây cối nữa.

Sự sống là hoạt động, là những lá bài, là những hành động liên tục không ngừng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Hành động phát xuất từ ham muốn bị bóp méo, bị giới hạn, và dù bạn làm như thế nào đi nữa, sự giới hạn của nó thường tạo nên đấu tranh liên tục. Tất cả những thứ bị giới hạn bởi chính bản chất của mình, đều đưa đến rắc rối khủng hoảng. Sự giới hạn ấy được ví như người chỉ nghĩ đến mình, đến những vấn đề của mình, những kinh nghiệm của mình, những niềm vui và thỏa mãn của mình, những công việc của mình – hoàn toàn ích kỷ. Hoạt động của con người ấy đương nhiên rất giới hạn. Người ta không bao giờ nhận thức được tính hạn cuộc bao hàm trong thói vị kỷ ấy. Họ xem việc đeo đuổi thành công, tầm cầu khoái lạc, cũng như việc chứng đắc nội tâm, nôn nóng muốn trở thành một cái gì … chính là sự biểu lộ cá tính, anh hoa phát tiết, và được đánh giá cao. Nhưng tất cả hoạt động kiểu ấy chỉ là hạn cuộc, xấu xí, và những hành động kế tục để theo bất cứ một hướng nào cũng đều nhất định đưa đến sự phân hóa như ta đã thấy trên thế giới. Sự thèm khát là rất mãnh liệt; nó thường đồng hóa với cái gì thanh tao hơn, thế nhưng vẫn cứ là thèm muốn. Tất cả các hành động phát xuất từ thèm muốn cho dù có được gán là cao thượng hay thấp hèn đi chăng nữa đều bị gò bó, biến chất.

Con chim sẻ tàu đã quay về. Sau bữa điểm tâm, nó làm rộn lên để được chú ý. Ta bèn vứt cho nó vài hạt đậu phọng xuống đất, nó nhặt lên, ngậm vào miệng, đem đến một cành cây rồi tức tốc quay lại xin thêm. Cứ như thế mỗi ngày, dần dần nó đã được thuần hóa. Nó tiến đến thật gần, long lanh đôi mắt, dựng đuôi lên, ôi cái đuôi xanh biếc, sống động và tươi sáng khôn tả. Rồi nó la mấy con chim kia, không muốn cho kẻ lạ xen vào nơi nó đã xem là lãnh thổ của mình. Nhưng lúc nào mà chẳng có kẻ lạ. Những con chim khác chẳng mấy chốc đã đến nơi nhâm nhi nho khô và đậu phọng. Đây chính là các sinh hoạt của đời sống.

Vầng dương đã lên tít trên trời cao và những bóng mát bây giờ còn thưa sẽ trải dài ra lúc tối trời như những tượng điêu khắc mờ mờ tỏ tỏ.

Có hành động nào không phát sinh từ ham muốn không? Nếu ta tự đặt một câu hỏi như thế và thỉnh thoảng ta làm thế thì ta có thể, không vì một mục đích nào, tìm ra một hành động phát sinh từ trí thông minh. Làm việc do ham muốn thúc đẩy thì không thông minh chút nào, trái lại còn đưa đến vô số vấn đề. Có chăng một hành động do trí thông minh? Ta phải luôn luôn hoài nghi về phương diện này; nghi là một yếu tố đặc biệt làm trong sáng trí óc, trái tim. Nghi ngờ dè dặt có năng lực thanh lọc, giải thoát. Những tôn giáo phương đông ca tụng hoài nghi và tra tầm, xem như những phương tiện chân chính trong sự tìm kiếm chân lý, trong khi truyền thống tôn giáo phương tây lại xem hoài nghi là ác quỷ. Nhưng trong tự do, trong một hành động không phát xuất từ thèm khát thì tia sáng của hoài nghi lại cần thiết. Khi ta hiểu thật sự chứ không phải hiểu trên lý thuyết cũng không phải hiểu trên ngôn từ rằng hành động phát sinh từ ham muốn bị uốn cong và bóp méo, thì chính sự nhận thức này hàm chứa mầm mống của trí tuệ đưa đến một hành động hoàn toàn khác. Điều này có nghĩa là nhận chân được cái sai như thế nào, phân biệt cái thật trong cái sai và thấy được chân lý. Một nhận thức như thế tượng trưng giá trị của trí tuệ vốn không phải là của bạn cũng không phải là của tôi, và trí tuệ ấy hành động. Hành động ấy không biến dạng, không hối tiếc, không để lại bất cứ một dấu vết nào trên dòng thời gian. Trí tuệ ấy không thể hiện diện nơi nào vắng bóng từ bi, nơi nào thiếu tình yêu. Và từ bi cũng chỉ nẩy mầm khi những hành động của tư tưởng được củng cố trong một lý tưởng nào đó, một niềm tin, khi những hành động ấy gắn liền vào một biểu tượng hay một con người. Từ bi chỉ được cảm nhận trong tự do. Và nơi mà ngọn lửa ấy hiện hữu chính là ngọn lửa của hoạt động trí tuệ.

Thứ sáu, 22 tháng 4 năm 1984

Ta đang ở khoảng 450 mét độ cao, nơi ngôi nhà dựa lưng vào dãy đồi được bao quanh bởi vườn cam và lê tàu. Điểm cao nhất vùng đạt đến 2250 mét. Ta có thể gọi tuyệt đỉnh này là núi; tên nó là Topa Topa. Khi xưa người Thượng sống ở đây. Khi ấy chắc họ trông lạ lắm, một giống nòi dễ thương. Có thể họ cũng dữ dằn, nhưng những kẻ tiêu diệt họ lại còn dã man hơn.

Ở đây, sau một ngày mưa, vạn vật mệt mỏi chờ đợi một cơn giông khác, trong khi thế giới loài hoa và những bụi gai đang tận hưởng một ban mai an lành; kìa, những ngọn lá lấp lánh như đang được gọt dũa. Ô! đằng kia có một bụi hồng đỏ chói; chúng tuyệt làm sao với vẻ đẹp thắm thiết, với mùi hương lan tỏa, với nét bất di bất dịch! Ta đã mượn chiếc xe hơi tuy cũ nhưng khéo được giữ gìn, bóng loáng, êm như ru, đi trên con đường nhỏ bằng phẳng xuyên qua làng, ngang qua những căn nhà xinh xinh, những ngôi trường, những vườn lê tàu rồi chạy loanh quanh đến đường trũng. Xe lại leo lên từ khúc quanh này đến khúc quanh khác cho đến 1650 mét không chừng. Khi xe ngừng lại, ta thấy mình đang ở trên cao, thật cao, trên những dãy đồi bao phủ bởi một màu xanh của bụi rậm và cây cối pha lẫn vài nhát cắt của vực sâu. Ta ngỡ mình đang ở trong vương quốc của chư Thiên.

Con đường vắng vẻ này xuyên qua một vùng hoang vu đưa đến một thành phố lớn cách đây hơn 3 cây số. Ở phía nam, tít xa là biển Thái Bình Dương. Nơi đây thanh tịnh quá. Con người đã tạo nên con đường này nhưng may mắn thay lại không để dấu vết nào khác khi họ đi qua. Cũng có xảy ra vài đám cháy nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Ta quan sát vết đen của vài gốc cây bị nung khô, nhưng cỏ xanh đã mọc tràn lên chung quanh. Sau những trận mưa rào, tất cả lại trổ hoa tím, xanh và vàng với những đóm đỏ thắm lác đác đây đó. Chưa bao giờ vẻ huy hoàng của mặt đất lại phô bày ở đây đức khoan dung sâu xa của mình đến thế.

Ta ngồi xuống vỉa hè của con đường, trên mặt đất. Mặt đất luôn sạch sẽ. Thế là những con trùng be bé, những con kiến bò chạy tứ tung. Không có một con thú hoang nào cả, lạ thật. Có lẽ ban đêm những con nai, chó sói, thỏ rừng, thỏ nuôi mới đến đây. Thỉnh thoảng một chiếc xe hơi chạy ngang phá vỡ nét trang nghiêm trong trắng của bầu tĩnh mịch. Đúng là một nơi khác thường.

Ngôn từ không biết đo lường sự phát triển của những dãy đồi trong không gian cùng sắc xanh của bầu trời đang bao phủ vùng sa mạc xa xăm. Đấy là toàn thể trái đất. Không khí tĩnh mịch uy nghiêm đến nỗi ta không dám thốt nên lời và ngôn từ cũng không sao tả được nét thanh tịnh này. Thi sĩ có thể phóng bút, nhưng chữ nghĩa nào phải là hành động, ngôn ngữ đâu phải là sự vật. Và ngồi đây, gần một tảng đá nóng bỏng, con người không còn hiện hữu. Vắng bóng tự ngã, sự thật duy nhất chỉ là quang cảnh này, nét gợn sóng của dãy đồi, dáng cao của ngọn núi, tính phong phú của những thung lũng tắm mình trong một màu xanh thẳm.

Các nền văn minh đều duy trì khái niệm đo lường. Những tòa nhà thật đẹp đều được dựa trên các đo lường toán học. Thành lũy Acropole và cung điện Parthénon huy hoàng cùng những cao ốc 110 tầng ở New York đều được dựng lên bằng sự đo lường. Lượng giá không chỉ là một luật lệ; nó là một phần thuộc về bản chất của trí óc; cái to, cái nhỏ, cái vừa , cái hơn. Diễn tiến so sánh ấy hiện hữu từ muôn thuở. Ta không ngừng đánh giá. Nào là trải qua các kỳ thi ở trường tiểu học, trung học, đại học, lối sống của ta hoàn toàn trở nên một chuỗi những ước lượng so sánh: xấu với đẹp, quý tộc với thấp hèn, tổng thể giá trị của ta, những cuộc tranh luận không đưa đến đâu, uy quyền của con người cũng như uy quyền của các quốc gia. Thẩm định đã là một điều tất yếu của con người. Và trí óc, vốn cần thiết cho đo lường và so sánh, gắng sức tìm kiếm ngôn từ để lượng giá cái vô biên. Diễn tiến này lan dài hàng thế kỷ – những vị thánh chúa và những thần linh, định mức tầm rộng của thế giới cũng như tốc độ của lực sĩ – và sự so sánh này đã nảy sinh biết bao sợ hãi lẫn buồn sầu!

Và bây giờ trên tảng đá này, một con tắc kè đến sưởi nắng ở rất gần ta. Vì nó nằm yên nên ta có thể quan sát đôi mắt đen nhánh, những cái vảy từ sống lưng đến chiếc đuôi dài của nó. Sau một đêm băng giá, nó đến tảng đá bốc lửa dưới ánh nắng này chớ đợi một con muỗi hay một con trùng nào ngang qua rồi nhẩm tính khoảng cách để nuốt chửng con mồi.

Ta nên sống mà không so sánh, không một thước đo nội tâm, không bao giờ ví cái mình đang là với cái mình phải là. Chữ “thiền” không chỉ có nghĩa là xem xét, quan sát, suy tư, gạn hỏi, thăm dò; theo tiếng sanskrit, thiền còn có nghĩa sâu xa hơn, là “trở nên”. Thiền không được bao gồm lượng giá, cũng không được là một hành vi thư thái được thành tựu trong một tư thế lựa chọn.

Thiền phải được xảy ra hoàn toàn vô ý thức, không biết đến sự tham gia của con người. Thiền thoải mái chỉ là một hình thức khác của tham vọng, một đề tài qua những cách biểu lộ khác nhau. Mục tiêu của thiền có thể thay đổi; thiền có thể có những đường hướng cao thượng hơn, nhưng mục đích của nó là mong muốn được hoàn thành, chẳng khác gì mục đích của thương gia hay của người xây nhà thờ. Thiền là hành động không mong cầu, không ngôn từ kèm theo hoạt động của tư tưởng. Thiền phải vượt qua mọi cân nhắc. Vì chỉ có thế thiền mới là hành động trong cõi vô biên mà con người không đo lường được, không mục đích, không có chấm dứt cũng chẳng có bắt đầu. Và điều này có tác động một cách lạ lùng trong đời sống hàng ngày, vì cuộc sống là một và do đó trở nên thiêng liêng. Cái gì thiêng liêng không bao giờ có thể bị tiêu diệt. Giết là một trọng tội. Hủy hoại là một tiếng thét tuyệt vọng, hệt như tiếng thét của con chim bị nhốt trong lồng. Dường như ta không hiểu rõ sự sống thiêng liêng đến như thế nào, không phải sự sống của riêng mình mà sự sống của hàng ngàn sinh vật của tất cả các triều đại. Và hành động của sức mạnh cao cả nhất, linh thiêng nhất, thánh thiện nhất tung hoành trong thiền không lượng giá.

Hôm ấy, bên bờ sông- ôi, các con sông mới đẹp làm sao; đừng cho rằng trên đời chỉ có mỗi một con sông linh thiêng mà tất cả các con sông đều có thần tính giám hộ – vâng, hôm ấy, ủ mình trong lớp áo thú, một người đàn ông đã ngồi bên bờ sông, nhắm mắt, dấu đôi tay, bất động. Ông lập đi lập lại mấy lời với những ngón tay lần tràng hạt. Ông đã làm thế từ bao năm nay, từng hạt rồi từng hạt. Và dưới chân ông, nước sông lững lờ trôi. Sông bắt nguồn trên những ngọn núi tuyết xa xôi. Khởi nguồn từ một con sông nhỏ bé, nó chảy xuống phía nam, đón nhận những thác nước, những con sông để biến thành một con sông rộng lớn được tôn kính trong địa phận này của thế giới. Không ai biết người đàn ông này vừa tụng chú vừa lần tràng đã bao lâu rồi. Ông ta đang thiền định – chí ít thì mọi người đều tưởng thế, và có lẽ ông cũng cho là vậy. Khách đi đường nhìn ông, ngưng nói chuyện một lúc, rồi trở lại với những tiếng cười và câu chuyện. Người đàn ông với dáng dấp gần như bất động ( vì chỉ có những ngón tay cử động nhẹ dưới lớp áo ) đã ngồi đấy từ lâu lắm rồi, hoàn toàn chú tâm vào thế giới riêng của mình. Ông chỉ nghe âm thanh của những lời mình thốt ra, tiết tấu và lễ nhạc của chúng. Và ông bảo là ông đang thiền đấy. Cõi đời này có hàng ngàn người giống ông ta trong bầu yên lặng của những tu viện, trong những thành phố, trên những dãy đồi, bên bờ sông.

Ngôn từ, câu chú, cách tự ru ngủ, những thứ thuốc ảo tưởng ấy không phải là thiền định. Thiền phải được diễn ra ngoài ý chí của ta. Thiền xuất hiện trong thanh vắng của ban đêm, khi đột nhiên ta thức dậy, trí óc đang nghỉ ngơi. Thiền phải xảy ra lặng lẽ như con rắn lẫn với bụi cỏ cao xanh rì trong ánh sáng mát rượi của ban mai. Thiền cần phải trồi lên từ bề sâu của trí óc. Thiền không phải là thành tựu. Thiền không gồm những phương pháp, những hệ thống hay luyện tập. Thiền bắt đầu khi bạn ngưng so sánh và dứt bặt cái sự trở thành với không trở thành. Như ong rù rì trong tùm lá, cũng thế là tiếng thì thào của thiền định.

Thứ bảy, 23 tháng 4 năm 1983

Những đám mây còn tụ lại phía trên các dãy đồi, trên thung lũng, trên núi. Thỉnh thoảng, thoáng qua khe hở của lùm mây, mặt trời xuất hiện, linh động và sáng sủa. Khí trời sáng hôm nay thật dễ chịu, bầu tươi mát lan khắp cỏ cây. Đến mùa hè ánh triêu dương sẽ thiêu đốt tất cả, các đồng cỏ trong thung lũng sẽ bị gió làm khô héo, và màu xanh của thảo mộc sẽ biến mất.

Những buổi sáng thanh tịnh đều tuyệt vời. Những quả cam huy hoàng khoe sắc trong tùm lá sum sê, bóng bẩy, sáng chói. Và hương thơm nồng nàn của hoa cam tỏa khắp không gian khiến không khí ngột ngạt. Còn có một loại cam khác sẽ chín sau, trước khi sức nóng của mùa hè tràn đến. Cây phải chất chứa cùng một lúc nào hơi nhiệt, nào hoa, nào trái và cả lá nữa. Thế gian này đẹp quá, thế mà con người lại nỡ thờ ơ phá hoại mặt đất, ao hồ với nước trong mát, sông ngòi với các vũng cạn.

Hãy bỏ mặc mọi thứ để theo con đường nhỏ hẹp này đến ngọn đồi có giòng suối bé con sắp khô kiệt. Cùng với anh bạn, ta vừa đi vừa trao đổi vài lời và quan sát cây cỏ đang độ sung sức về màu sắc. Có rất nhiều màu sắc, từ màu xanh lá cây nhạt như màu xanh của sông Nil – hình như là xanh lá cây nhạt hơn một chút, pha lẫn một ít xanh nước biển – đến màu xanh đậm, xa xỉ, rạng rỡ vì nét phong phú. Và trên con đường hẹp đến nỗi chúng ta phải đi sát vào nhau, ta gặp được một vật quý cổ xưa đẹp lạ lùng, kỳ diệu, sáng ngời. Thật là lạ, trên cái con đường thưa người nhiều thú này! Và ta bàng hoàng ngắm nhìn cách cấu tạo thật tinh vi và mong manh của vật quý mà không một bàn tay nào có thể gọt dũa được. Sững sờ chiêm ngưỡng vật quý một lúc lâu, ta nhẹ nhàng để vật ấy vào túi, người bạn thấy được sự thay đổi đáng ngạc nhiên trong đôi mắt, trên gương mặt ta. Nỗi ngất ngây, ngỡ ngàng khôn tả pha lẫn sự phấn chấn làm ta nghẹn ngào thở hắt.

Thế rồi khi được hỏi: “Vật quý mới nhặt được khiến bạn tràn niềm vui là gì thế?” Ta thỏ thẻ, với một giọng làm chính ta cũng ngạc nhiên, rằng ta vừa thấy được chân lý.

Ta dè dặt không muốn nói e làm hỏng vật quý, người bạn hơi bất bình vì sự che giấu này, bảo: “Khám phá ra chân lý đáng phải được đưa vào thung lũng để tổ chức làm sao cho người ta hiểu được, hầu có thể giúp con người.” Ta không trả lời, hối tiếc đã nói ra.

Cây đang trổ hoa; ta chuyển hướng nhìn về thung lũng vườn cam, mà làn gió nhẹ thoảng đưa hương thơm đến. Không khí như đọng lại, nhẹ lướt vào ta. Điều ta tìm thấy là thứ trân quý nhất, không thể phô bày cho bất cứ ai. Ai khác có thể cũng tìm thấy nó, và cũng sẽ phải ấp ủ và tôn sùng nó như ta.

Các chủ nghĩa tràn lan khắp thế giới chưa bao giờ giúp con người được điều gì cả. Chúng chỉ biểu trưng cho tổ chức vật chất của những nhu cầu của mình: những kêu nài về chiến tranh, về dân chủ, về chuyên chế cũng như về tôn giáo đều có những ngày đắc thắng, rồi lại thất bại, do con người ao ước được giúp đỡ về thể xác lẫn thâm tâm, vì bị thống khổ bóp nghẹt, vì thời gian qua mau quá và vì những suy nghĩ mông lung. Những chủ nghĩa ấy đã hiện hữu từ xa xưa, nhưng lại không thay đổi được lương tâm con người. Về mặt tâm lý chúng không có khả năng biến đổi tận căn để. Và ta tự hỏi tại sao con người lại lập ra những chủ nghĩa ấy, bởi vì chính con người đã chỉ huy từ thuở ban đầu với hy vọng được giúp đỡ, được an ổn dài lâu. Kỳ lạ thay, những chủ nghĩa ấy lại thất bại về phương diện này. Con người dường như không ý thức được điều đó nên cứ dựng thêm những chủ nghĩa, những tổ chức đối lập nhau.

Chính tư tưởng đã bày đặt ra không những các tổ chức dân chủ hay độc tài mà tất cả; tư tưởng cảm nhận và hiểu rằng những phát minh của nó tự căn để đã không biến đổi được cơ cấu và bản chất của tự ngã. Những chủ nghĩa, tổ chức đều được dựng nên bởi ý niệm tai quái, xảo quyệt và uyên bác. Cái mà ý nghĩ tạo ra và tung hoành lại hành động trên công thức của chính mình. Và ta tự hỏi, nếu ta nghiêm túc và thành thật trong việc tìm kiếm của chính mình thì tại sao tư tưởng lại không ý thức được hành động của chính nó? Tư tưởng có tự biết được động chuyển của nó không? Tư tưởng có thể tự thấy chính nó, và thấy được cả lãnh vực nội tâm như thấy ngoại cảnh hay không? Thật ra thì không có trong cũng chẳng có ngoài; ngoại cảnh là do nội tâm tạo ra, rồi nội tâm lại mô phỏng theo ngoại cảnh. Ngọn triều lên xuống của tác động và phản ứng là chuyển động của cái tư tưởng không ngừng cố thống trị cảnh ngoài và khi làm được điều ấy, nó lại tạo thêm nhiều rắc rối. Khi giải quyết được những rắc rối này nó lại làm phát sinh những vấn đề khác. Ý tưởng cũng đã nhào nặn đời sống tâm lý tùy theo nhu yếu của hoàn cảnh. Tiến trình dường như bất tận này đã tạo ra một xã hội độc ác, xấu xí, thất đức và tàn bạo. Và, vì đã tạo ra nó, cuộc sống nội tâm trở nên phụ thuộc vào nó. Bên ngoài uốn nắn bên trong, và bên trong lại sai sử bên ngoài. Diễn tiến này cứ thế kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác mà tư tưởng không hề xét lại hành động của chính mình. Ta bèn tự hỏi đến bao giờ tư tưởng mới nhận thức được chính nó, ý thức được việc làm của nó? Không có người suy tư cách biệt với tư tưởng; chính tư duy đã tạo ra con người suy nghĩ, vốn là con người phân tích, trải nghiệm. Người nghĩ ngợi vốn là người quan sát và hành động tiêu biểu cho quá khứ gồm có gia tài sinh vật và di truyền của con người, truyền thống, tập quán và toàn bộ hiểu biết được tích lũy. Rốt cuộc thì quá khứ là sự hiểu biết và con người tư duy không tách rời với quá khứ. Tư tưởng đã tạo ra quá khứ, tư tưởng chính là quá khứ; kế tiếp tư tưởng lại tách biệt con người tư duy khỏi cái tư tưởng mà con người cho là mình kiểm soát được. Nhưng đó là một khái niệm dối trá; chỉ có tư tưởng mà thôi. Tự ngã là cái tôi, là quá khứ. Trí tưởng tượng dù có thể nghĩ về tương lai thì vẫn là hoạt động của tư duy.

Vì là hoạt động của tri thức nên tư tưởng đã không cải hóa được con người và sẽ không bao giờ làm được việc ấy, vì tri thức luôn luôn bị giới hạn. Rồi ta lại tự hỏi: ý tưởng có thể tự nhận biết mình không – hành động, phản ứng, phản xạ giác quan, nhục cảm, sợ hãi, hoài bão, theo đuổi khoái lạc, tất cả nỗi khắc khoải về cô đơn, tất cả những thống khổ mà con người phải gánh chịu bởi chiến tranh, bởi tính vô trách nhiệm, bởi sự thờ ơ xuất phát từ thói ích kỷ của mình? Tất cả những thứ đó là hoạt động của ý tưởng vốn cũng đã đặt ra cõi vô cùng với vị Thượng đế ngự trị trong đó. Đấy là hành động của thời gian và tư tưởng.

Thế là ta hỏi bộ máy già nua cũ kỹ này xem nó có thể gây ra nơi con người, vốn không là gì khác ngoài bộ não, một biến chuyển tận gốc hay chăng. Bao giờ tư duy do hồi quang phản chiếu mà thấy được những hạn cuộc của nó, thấy rằng nó chỉ có ích trong thế giới vật lý, thì nó sẽ bặt dứt và sự im lặng xảy ra. Chỉ lúc ấy mới xuất hiện một khí cụ mới mẻ vốn không là sản phẩm của thời gian và tư tưởng, cũng không liên quan gì đến tri thức. Khí cụ này hay lối nhận thức này luôn luôn mới mẻ, không có dấu vết hoài niệm và quá khứ, nó là tuệ giác xuất phát từ trái tim biết yêu thương lân mẫn. Lối nhận thức này gây ra một hoán cải thật sự trong những tế bào não bộ, và hành động của nó quang minh chính đại, không mang nặng quá khứ và thời gian.

Thứ ba, 26 tháng 4 năm 1983

Con chim đang hấp hối vì bị người ta bắn phải. Nó vừa mới bay lượn thoải mái, khoan thai, oai vệ ấy thế mà một phát súng nỡ hạ gục nó. Khi nó rơi xuống đất, tất cả sự sống đã rời xa nó. Con chó đã mang nó lại trong khi tên thợ săn đi nhặt những con chim chết khác. Hắn nói chuyện với bạn và hoàn toàn thản nhiên trước cái chết của chim. Công việc của hắn là bắn cho được thật nhiều chim, chỉ có thế. Trên khắp địa cầu nơi nào cũng có sự giết hại. Những chú cá voi, sinh vật tuyệt vời to lớn của biển cả, bị giết hàng ngàn. Cọp và biết bao thú hoang khác hiện có mối nguy tuyệt chủng, nhưng chỉ có con người là thú vật duy nhất đáng sợ.

Anh bạn xem ra là người đã gặp rất nhiều cọp. Thiếu thời anh đã tham gia một chuyến đi săn, một hành động gớm ghiếc mà anh không ngớt hối hận. Sự tàn nhẫn đã lan rộng khắp thế giới bằng nhiều cách khác nhau. Có lẽ thuở xưa con người chưa đến nỗi tàn ác, bạo động như bây giờ. Các nhà thờ, các linh mục trên toàn thế giới đã từng nói đến hòa bình trên trái đất; tất cả, từ những vị thượng thủ của giai cấp Thiên chúa giáo cho đến những linh mục quèn trong làng đều khuyến dụ con người hãy sống đời sống thanh cao, đừng làm điều quấy, không nên giết hại; đặc biệt là những Phật tử và những người Ấn giáo từ xa xưa đã từng dạy: ” Không được giết cho đến một con muỗi, đừng sát sanh, vì ngươi sẽ phải bị quả báo trong kiếp sau”. Sự khẳng định này tương đối mộc mạc, tuy nhiên một số người đã duy trì tinh thần ấy theo nghĩa không giết đồng loại, không làm khổ đồng loại. Nhưng việc sát sinh vẫn tiếp diễn với những cuộc chiến tranh. Con chó gặp con thỏ là giết ngay lập tức; hoặc người này giết người khác bằng những máy móc tuyệt hảo, để rồi đến lượt mình chẳng mấy chốc cũng bị giết. Sự tàn sát cứ tiếp diễn từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ kia. Người thì giết hại như một môn thể thao, người thì giết vì thù hận, giận dữ hay ghen tuông, và cuộc tàn sát cứ tiếp tục, được các quốc gia tổ chức bằng sự trang bị vũ khí. Ta phải tự hỏi con người có thể nào sống an bình trên trái đất tuyệt vời này mà không giết hại một sinh vật nhỏ bé, không giết đồng loại cũng không bị giết; con người có thể nào sống trong hòa bình với một chút thương yêu thánh thiện trong lòng mình chăng.

Dạo trước, nhân dịp nghỉ hè trên những ngọn đồi tại nhà một người bạn, ta tiếp một người khách kể rằng đêm hôm trước một con cọp đã giết một con bò. Anh hỏi ta tối nay có muốn xem cọp không. Anh đề nghị dựng một sàn nhà trên một cái cây, rồi cột con dê dưới gốc cây ấy. Tiếng dê kêu sẽ làm cọp chú ý đến gần, như thế mọi người sẽ dễ nhìn thấy cọp. Cả người bạn lẫn ta đều không muốn đáp ứng nỗi tò mò quá tàn nhẫn này. Nhưng lát sau bạn ta lại gợi ý đi xe hơi đến rừng gặp cọp. Thế là chúng ta nhờ tài xế đưa đi bằng chiếc xe mui trần rồi lên đường đến khu rừng cách đấy hàng bao nhiêu cây số. Đương nhiên là chúng ta không phân biệt gì cả.

Màn đêm tối sẫm, đèn pha từ xe chiếu ra, và ô kìa, con cọp ở ngay khúc quanh!Nó như nằm đấy chờ chúng ta. Con vật mới to làm sao, với những đường vằn thật đẹp, mắt sáng quắc trong ánh đèn pha. Nó gầm gừ tiến đến chiếc xe và lướt tới rất gần bàn tay ta đang dang ra, khiến chủ nhà la lên :”Đừng đụng vào nó, nguy hiểm lắm, rút nhanh tay vào, nó phóng còn nhanh hơn tay Ngài rút vào nữa đấy.” Nhưng ta cảm nhận được nguồn năng lực, sức sống của con vật kia, đúng là một dynamo. Ta cảm nhận được một sức hấp dẫn lạ lùng nó đi qua rồi biến mất vào khu rừng.

Trong phần này của thế giới mà ta gọi là phương Tây, con người có lẽ đã giết hại nhiều hơn ai hết. Họ luôn nói đến hòa bình trên thế giới. Nhưng muốn có hòa bình thì phải sống thật hài hòa, và điều này dường như hoàn toàn không thể xảy ra được. Có rất nhiều lý lẽ chống đối hoặc ủng hộ chiến tranh. Một số nói rằng con người đã, đang và sẽ mãi mãi là kẻ ưa giết hại, một số khác lại khẳng định con người có thể thay đổi, không giết hại nữa. Đấy quả là vấn đề thật xưa cũ. Bất kể có nhiều loại tôn giáo đến đâu, cửa hàng thịt cũng đã thành một tập quán, một phương sách được chấp nhận.

Hôm trước ta quan sát một con chim ưng đuôi đỏ. Nó nhào lộn thoải mái trên bầu trời cao, không vỗ cánh để được gió đẩy đưa. Một con khác đến nhập bọn và chúng cùng nhau bay lượn khá lâu. Cặp chim trên bầu trời xanh trông mới đẹp làm sao. Ai giết chúng thật là tội trời. Đương nhiên trời thần không thật có, chỉ do hy vọng hão huyền mà con người đã đặt ra, khi mà cuộc sống của họ ngày càng biến thành địa ngục, thành một đấu trường bất tận. Từ khi sanh ra cho đến khi chết, con người bôn ba kiếm tiền, làm việc không ngừng nghỉ. Cuộc sống trở nên quay cuồng, công việc và đấu tranh cứ tiếp diễn. Ta tự hỏi nhân loại có bao giờ sống được an bình trên trái đất này không. Cuộc sống là một đấu trường từ thâm tâm, lãnh vực tâm lý, lan đến bên ngoài, vào trong cái xã hội do tâm tạo.

Có lẽ tình yêu đã hoàn toàn biến mất trên đời. Yêu thương là độ lượng, ân cần, không làm hại kẻ khác, không làm cho người ta có mặc cảm phạm tội, sống khoan hòa, nhã nhặn, ứng xử làm sao để lòng từ bi toát ra qua lời nói và hành động. Chắc chắn là ta không thể có lòng từ khi ta thuộc vào một hệ thống tôn giáo có tổ chức. Những hệ thống này luôn muốn bành trướng, quyền uy, bám lấy truyền thống và giáo điều, đặt nặng về đức tin. Muốn yêu thương thì phải được tự do. Tình yêu không phải là lạc thú, ham muốn, hoài niệm về những gì đã qua. Tình yêu không phải là cái đối nghịch với ganh tị, hận thù và giận dữ.

Tất cả chuyện này có vẻ ảo tưởng, không thực tế, xa vời. Nhưng nếu bạn tưởng thế thì bạn sẽ tiếp tục sát sanh. Tình yêu cũng thật, cũng mãnh liệt như cái chết. Tình yêu không liên quan gì đến trí tưởng tượng, tình cảm hay mộng mơ, cũng không dính dấp gì đến quyền năng, địa vị hay uy lực. Tình yêu vừa hùng mạnh như sóng biển cả, lại vừa phẳng lặng như mặt nước đứng yên. Tình yêu dồi dào mạnh mẽ như giòng nước tuôn vào cõi vô cùng và chảy mãi không có chấm dứt cũng chẳng có bắt đầu. Thế nhưng kẻ giết hại những chú bé hải cẩu hay những bác cá voi khổng lồ lại chỉ bận rộn với viêc mưu sinh. Kẻ ấy sẽ nói:” Tôi sống bằng nghề đánh cá, đấy là việc làm của tôi.” Cái mà ta gọi là tình yêu không liên quan gì đến kẻ ấy. Có thể kẻ ấy yêu gia đình, y nghĩ thế – nhưng lại không quan tâm đến cách kiếm ăn của mình. Có lẽ đấy là một trong những nguyên nhân làm đời kẻ ấy bị phân thành từng mảnh từng đoạn; đa số những kẻ như vậy không bao giờ có vẻ yêu thích công việc mình làm. Nếu ta sống bằng nghề mà ta ưa thích thì sự thể lại hoàn toàn khác hẳn, ta sẽ hiểu sự sống một cách toàn diện. Nhưng người ta lại phân chia cuộc đời thành nhiều mảnh, đoạn: lĩnh vực doanh thương, lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, chính trị , tôn giáo … Ta dường như xem những mảnh đời này khác hẳn nhau và chúng phải là như thế. Do đó ta trở nên giả dối, làm những việc xấu xa, chạy theo sự đồi trụy hư hỏng trong đời sống doanh nghiệp rồi khi về nhà lại sống yên ổn trong tổ ấm gia đình. Điều ấy tạo nên đời sống hai mặt, giả đạo đức.

Trái đất thật tuyệt vời. Con chim kia sáng nào cũng đứng trên cành cây cao nhất. Nó ngự trị thế gian nhưng vẫn luôn luôn nhạy bén sợ con chim to hơn sẽ giết nó. Nó nhìn những đám mây, cái bóng đang đi qua và mặt phẳng bao la của trái đất phong phú với những suối và rừng, với tất cả những con người đang làm việc từ sáng đến tối. Trong thế giới tâm lý, mọi ý tưởng đều nhất thiết gợi lên nỗi u sầu. Ta phải tự hỏi không biết con người có bao giờ thay đổi chăng, nếu không nhiều thì ít nhất cũng vài người rất hiếm có. Những nhân vật đặc biệt này sẽ biết được mối tương quan[4]. Khi ấy thì mối liên hệ giữa đám đông đại đa số, với số ít người hiếm hoi này, sẽ ra sao? Đa số không liên lạc gì với những người này; nhưng những người này lại thấy mình có liên quan đến toàn thể nhân loại.

Nhìn xuống đáy thung lũng, ngồi trên tảng đá gần một con thạch sùng, ta không dám cử động để nó đừng bị quấy rầy, đừng hoảng sợ. Nó cũng đang nhìn. Cuộc sống tiếp tục: con người bày đặt ra thần linh, vâng lời giai cấp đại biểu cho thần thánh trên trái đất; và tất cả sự lừa bịp này, những ảo tưởng trơ trẽn này có lẽ vẫn tồn tại.

Thế là hàng ngàn vấn đề cùng mối hỗ thương lệ thuộc giữa chúng trở nên ngày càng phức tạp. Chỉ có trí tuệ phát sinh từ tình yêu và đức bi mẫn mới có thể giải quyết tất cả những rắc rối cuộc đời. Trí tuệ ấy là dụng cụ duy nhất không bao giờ hoen rỉ.

Thứ hai, 9 tháng 5 năm 1983

Điểm xuất phát của chúng ta là một nơi khá cao cho phép ta nhìn xuống tận đáy thung lũng. Theo con đường quanh co dài 3 cây số được viền bằng những cây sồi xứ California và thảm đan sâm lác đác những cổ thụ, ta băng qua dòng thác khô cạn, và trông thấy xa xa bên kia dãy núi, mặt biển xanh ngát. Nơi đây thanh tịnh quá, không gian như chìm lắng. Ta cúi xuống đối diện với những ngọn núi. Ta có thể leo hàng giờ, đi xuống một thung lũng khác rồi lại leo lên. Ta đã làm thế nhiều lần để đến tận đỉnh những dốc đá này. Phía bắc là bãi sa mạc rộng lớn hoang vu nóng bỏng. Nhưng không khí ở đây lại mát mẻ đến nỗi dù trời nắng ta vẫn phải khoác thêm áo.

Khi trở xuống, mải ngắm nhìn nhiều loại cây to, cây nhỏ và những con trùng nhỏ bé, ta bỗng nhiên nghe tiếng con rắn rung chuông. Một cú nhảy may thay khiến ta tránh được nó. Nó cách ta có 2 mét, đuôi ngoe nguẩy liên tục. Ta có thể nhìn đôi ngươi không có mí mắt của nó. Rắn không dài nhưng to bằng cánh tay đàn ông. Ta phải giữ một khoảng cách hợp lý để có thể nhìn chăm chú hoa văn trên da nó, cái đầu tam giác và cái lưỡi đen ngọ nguậy. Cả hai chúng ta yên lặng quan sát nhau. Và đột nhiên, dù đang đối diện với ta, nó nhảy lùi một cú để nhường bước cho ta đi. Nó vẫn còn đứng đo kêu ríu rít, mắt không rời ta. Trò chơi kéo dài mười phút hay hơn nữa, rồi con vật trở nên mệt mỏi. Nó không nhúc nhích, chờ đợi, và không phản ứng nữa khi ta đến gần. Trong giây lát nó dường như mất hẳn nghị lực. Bây giờ ta đang ở sát bên nó. Trái với rắn hổ mang thường dựng lên khi lâm trận, loại này chỉ tiến tới. Nhưng con vật này đã mệt mỏi nên không cử động nữa, vì thế ta bỏ đi. Đây là một con vật khá nguy hiểm, có nọc độc, không biết sợ và sẵn sàng để ta đụng vào thân nó nếu ta muốn.

Xuống núi, ta suýt đạp phải con chim cút dắt theo một tá cút con. Những em bé này chạy tứ tung vào bụi rậm, mẹ chúng cuống quýt theo sau. Chúng chíp chíp gọi nhau. Ta dừng lại ở dưới thấp để ngắm chúng tuôn ra khỏi nơi trú ẩn nấp vào cánh mẹ. Không khí trên cao còn mát lạnh, chúng chờ ánh nhật quang sưởi ấm cả không gian lẫn mặt đất.

Dưới thấp nữa là ngọn thác bé nhỏ, cánh đồng đã mất vẻ xanh tươi, ta quay về phòng hơi mệt nhưng vui vì chuyến dạo chơi trong nắng mai. Ở đây chỉ toàn là cây cam với trái vàng óng, cây hồng và cây sim dưới những cây khuynh diệp thật to. Nhà ta êm đềm quá.

Sáng hôm nay thật dễ chịu với mọi hoạt động tấp nập của thiên nhiên. Những sinh vật nhỏ bé, những con sóc, loài gậm nhấm, hối hả tìm thức ăn buổi sáng. Chúng cũng khá phá hoại vì ăn rễ non của cây nhỏ. Thế nhưng con chó lại giết chúng nhanh hơn với chỉ một cú ngoạm vào răng! Mọi thứ đều khô cằn. Mưa đã đi qua và chỉ trở lại 4 tháng sau, nhưng thung lũng ở phía dưới vẫn còn lấp lánh. Một bầu im lặng lạ lùng bao phủ trái đất, và tồn tại mặc cho tiếng ồn của thành phố và xe cộ. Có một cái gì thiêng liêng gần như sờ mó được. Trạng thái hài hòa với thiên nhiên, với tất cả tạo vật, tự nó đưa đến sự hài hòa với loài người. Nếu mất liên hệ với thiên nhiên, ta sẽ mất luôn sự tương quan với loài người.

Như thường lệ, sau bữa ăn đông người tụ hội, chúng ta có một cuộc thảo luận về ý nghĩa những danh từ, về trọng lượng của chúng, về nội dung, về ý nghĩa sâu xa, về giá trị của chúng và tình cảm mà chúng bao hàm hay gợi lên. Danh từ đương nhiên không bao giờ là chính sự vật, nó chỉ diễn đạt về sự vật. Sự giải thích không phải là vật thể mà nó giải thích. Danh từ ngữ, câu văn và giải thích không phải là sự vật. Danh từ cốt gợi lên ý nghĩ, cảm giác, và ngay cả khi không được thốt ra, nó vẫn ẩn ý trong nó cảm giác của ta. Sự kiện chính nó không bao giờ có dấu vết trong trí óc trong khi lý thuyết, kết luận, sự mô tả và trừu tượng đều để lại một ấn tượng. Cái bàn không có một ấn tượng nào, nhưng “Thượng đế” thì có, dù của Ấn giáo, Ki-tô giáo hay Hồi giáo. Trái với vật thể, chính khái niệm và hình ảnh lại chạm đến bộ óc.

Với tín đồ Ki-tô giáo, danh từ “Jésus” hay “Christ” có một ý nghĩa quan trọng, gợi một tình cảm sâu xa, một cảm xúc. Nhưng danh từ ấy lại không có ý nghĩa gì với người theo đạo Ấn, đạo Phật hay đạo Hồi. Chúng không phải là vật thể. Do được sử dụng từ hơn 2000 năm nay, chúng đã in nét trong trí óc. Những người Hồi giáo cũng như Ki tô giáo đều có Thượng đế riêng, mà chỉ là những phóng ảnh của cái tư tưởng phản ứng trước nỗi sợ hãi và lạc thú.

Dường như ngôn ngữ không thật sự để lại dấu ấn trong trí óc, mà chính lý luận về ngôn ngữ, tính trừu tượng của một vài cảm giác biến thành ý nghĩ, biểu tượng, hình ảnh nhân cách hóa do cái tư tưởng mộng mơ hy vọng đã phóng ra. Tất cả những trừu tượng, những ý nghĩ, những kết luận ấy hoạt động trên trí óc. Nhưng chính vật thể như cái bàn, lại không bao giờ có khả năng ấy.

Danh từ “khổ” chẳng hạn người Ấn giáo hiểu một cách, Ki-tô giáo hiểu cách khác. Nhưng, dù danh từ dùng để diễn tả nó khác nhau, tất cả mọi người đều dự phần đau khổ. Khổ là một dữ kiện. Nhưng khi ta muốn thoát khổ bằng lý thuyết hay bằng cầu viện đến một nhân vật lý tưởng hay một biểu tượng nào đó thì những hình thức trốn chạy ấy tạo mẫu trí óc. Điều quan trọng là hiểu được rằng cái dữ kiện là khổ thì không ghi dấu trên óc não.

Từ “tham luyến” cũng thế: ta cần thấy được từ này, quan sát, quán chiếu nó, cảm nhận chiều sâu của nó, toàn bộ nội dung, hậu quả của nó, cái sự kiện làm ta tham luyến – sự kiện chứ không phải danh từ. Hoạt động này không đòi hỏi trí óc phải xen vào, không đặt nó vào một khuôn mẫu, nhưng một khi ta tách rời khỏi sự kiện bằng tư duy thì chính động tác này, sự trốn chạy này không những xen vào yếu tố thời gian, mà còn khởi sự ảnh hưởng đến trí óc.

Tính dễ bị tổn thương làm ta vận vào mình sự khổ, rồi khổ lại khiến ta tự thu mình, dựng lên một bức tường tự vệ, trở nên cứng rắn và tàn nhẫn. Nhưng khi ta biết nhạy cảm mà không có những phản ứng tàn bạo xấu xa, rất bén nhạy trước từng chuyển động của nội tâm, bén nhạy trước cuộc đời, nhạy cảm đến độ không làm gì để phải hối tiếc, phải thương tổn, cũng không cần tự kỷ luật, thì thế là ta có được phẩm chất của sự sống vô biên.

Danh từ “Phật”, hình ảnh ấy, cảm tưởng ấy gợi nơi người Phật tử một tình cảm tôn kính tột bực thấm nhuần niềm tin; họ tìm thấy một nơi nương tựa trong cái hình ảnh do tư tưởng tạo ra ấy. Và vì tư tưởng gắn liền với tri thức đương nhiên bị hạn cuộc, nên hình ảnh ấy – vì chỉ liên quan đến một người, một biểu tượng hay một truyền thống cổ xưa – cũng chính là đầu mối của tranh chấp, nhưng tình cảm tôn kính tách khỏi mọi hình ảnh bên ngoài, mọi biểu tượng v.v…, thì tự nó không phải là một yếu tố có thể làm biến dạng trí óc.

Người đàn ông ngồi gần chúng ta là một con chiên ngoan đạo. Khi danh từ Ki-tô được thốt lên, ta thấy ngay nỗi niềm e dè đầy tôn kính nơi anh ta.Danh từ ấy đã để một dấu ấn trong bộ óc ấy. Anh tò mò quan sát hiện tượng giao lưu qua những danh từ, mỗi chủng tộc cho chúng một ý nghĩa khác nhau và tạo nên một sự phân chia, một giới hạn cho cái tình cảm mà tất cả nhân loại đều san sẻ. Nỗi khổ của con người chỉ là một, khổ là số phận của tất cả. Người Nga giải thích sự kiện khổ khác với lối giải thích của người Ấn giáo hay Ki-tô, nhưng chính cái cảm giác khổ, nỗi buồn sầu, cô độc … tình cảm ấy không bao giờ lèo lái bộ óc theo cách gì đặc biệt. Như vậy chúng ta phải chú ý đến những danh từ, ý thức sự tinh tế, ý nghĩa và trọng lượng của nó.

Tình cảm bao quát toàn cầu mà trong tương giao tất cả nhân loại đều có, tình cảm ấy chỉ có hiệu lực khi không còn nữa những danh từ quốc gia, bộ tộc, tôn giáo. Một danh từ có thể chứa đầy ý nghĩa và chiều sâu hay vô nghĩa. dối với đa số chúng ta, những danh từ đã mất hết chiều sâu và trọng lượng. Con sông không còn là một con sông nào đó. Những giòng sông ở Mỹ quốc, Anh quốc, Âu châu hay Ấn độ đều là sông, nhưng khi xen vào một danh từ nhận dạng, thì lập tức có sự phân chia. Và sự phân chia này không là gì khác hơn là hình ảnh trong tâm về một con sông nào đó, phẩm chất của nước, chiều sâu và giòng chảy, vẻ đẹp của con sông.

Thứ tư, 28 tháng 3 năm 1984

Hình như thủy triều ở Thái Bình Dương không to lắm, ít nhất tại bờ biển California, vì nó lên xuống thật nhẹ nhàng, khác hẳn những ngọn triều khổng lồ thường lui ra hàng trăm mét để mãnh liệt dội trở vào. Tiếng ồn của nó cũng khác, tùy con nước mạnh mẽ dội vào bờ hay rút ra khơi. Âm thanh của nó không giống chút nào tiếng gió lùa trong cây lá.

Mỗi vật dường như có một âm thanh riêng. Cái cây đơn độc trong đồng ruộng kia có âm hưởng đặc biệt phù hợp với nét hiu quạnh của nó. Những cây cù tùng từ muôn đời vẫn giữ gìn bài ca thâm sâu của chúng. Sự im lặng chính nó cũng có một âm điệu riêng. Và hiển nhiên còn có tiếng lải nhải bất tận của những con người đang bàn về công việc làm ăn, về chính trị và về những tiến bộ kỹ thuật của họ. Một quyển sách hay cũng có những âm hưởng đặc biệt. Cả đến không gian bao la vô tận cũng có cái nhịp điệu âm vang của nó.

Thủy triều lên và xuống rất giống tác động và phản ứng của con người, thật nhậm lẹ. Chúng ta có những hành động và phản ứng rất nhanh, không chừa một khoảng trống nào trước khi hành động; như khi được đặt một câu hỏi là ta vội cố tìm ngay câu trả lời, giải đáp cho một vấn đề. Không bao giờ có khoảng hở giữa hỏi và đáp. Nhưng chúng ta không khác gì ngọn triều của sự sống, cả về nội tâm lẫn ngoại cảnh. Ta cố thiết lập một tương quan với ngoại giới vì cứ tưởng nội tâm là một thực thể tách biệt không dính dáng gì đến cảnh ngoài. Nhưng vận hành ở ngoại cảnh đương nhiên là một chuyển động vang dội từ bên trong, cả hai chỉ là một như thủy triều lên xuống. Cái chuyển động bất tận của ngoại cảnh và nội tâm ấy chính là sự phản ứng lại trước mọi khiêu khích. Đời sống của chúng ta là vậy. Khi ta khởi sự triển khai một kế hoạch gì trong tâm, thì nội tâm ấy trở thành nô lệ cho ngoại cảnh. Như cái xã hội mà chúng ta đã tạo ra là ngoại cảnh, rồi nội tâm ta lại thành kẻ nô lệ cho ngoại cảnh ấy. Và sự phản kháng lại ngoại cảnh là sự phản kháng của nội tâm. Sự tác động và phản ứng bất tận, khắc khoải ấy chứa đầy sự khiếp đảm. Có bao giờ cái hoạt động này ngừng nghỉ không? Ngọn triều lên xuống của nước biển dĩ nhiên biệt lập hẳn với hoạt động tương tác giữa ngoại cảnh và nội tâm, trong đó tâm biến thành cảnh, và cảnh khi đã thành rõ rệt, trở lại quấy nhiễu tâm; rồi tâm lại có phản ứng trước sự lấn lướt của cảnh. Cứ như thế cuộc đời diễn tiến, do một chuỗi liên tục khổ đau và lạc thú tạo thành.

Dường như chúng ta không bao giờ hiểu rằng chỉ có một chuyển động duy nhất, ngoại cảnh và nội tâm không phải là hai. Như cùng một con nước ấy rút ra khơi rồi dội trở vào bãi cát và ghềnh đá. Chính vì chúng ta tách rời ngoài với trong nên mâu thuẫn phát sinh, tạo ra tranh chấp và thống khổ. Sự phân chia tâm và cảnh là một trong những nguyên nhân chính của tranh chấp, nhưng chúng ta dường như không bao giờ học được điều này. Học không chỉ là thuộc lòng mà là một hoạt động liên tục. Cần phải học cách sống mà không có sự mâu thuẫn của phân chia như thế. Ngoại cảnh và nội tâm là một tổng thể nằm trong một hoạt động duy nhất, bất phân. Đương nhiên tri thức ta có thể nắm được vấn đề ấy và chấp nhận nó như một lý thuyết hay khái niệm. Nhưng ta không bao giờ học hỏi được điều gì nếu chỉ sống bằng quan niệm. Những quan niệm trở thành những tĩnh vật; dù người ta có thể thay đổi quan niệm nhưng chúng vẫn là tĩnh vật cứng ngắc. Nhưng cái sự kiện cảm nhận được, thấy được sự sống không phải là hai hoạt động tâm và cảnh riêng biệt mà chỉ là một, biết được rằng mọi tương giao đều là cái hoạt động duy nhất ấy, ngọn triều đau khổ và khoái lạc, niềm vui và nỗi thất vọng, cô đơn và trốn chạy cô đơn, trực nhận không cần lời lẽ rằng cuộc đời là một tổng thể không phân chia, đấy chính là học hỏi. Và sự học này không cần thời gian, không phải là một diễn tiến từ từ vì khi ấy thì thời gian lại trở thành một yếu tố phân chia. Chỉ khi có sự tách rời cái toàn thể thành ra phân đoạn, cục bộ, thì mới có tác động của thời gian[7]. Nhưng khi mà, trong một thoáng, ta thấy được thực tại về bản chất cái toàn thể là như vậy, thì cái nhất thể của nó được biểu hiện thành một chuỗi bất tận gồm tác động và phản ứng, như sang và tối, ngày và đêm, vẻ đẹp và sự xấu xa….

Cái toàn thể ấy ở ngoài ngọn triều lên xuống của cuộc đời, của tác động và phản ứng. Cái đẹp không có đối lập. Hận thù không phải là cái đối nghịch với tình yêu.

  Thứ sáu, 30 tháng 3 năm 1984

Sáng nay ta theo con đường đi xuống. Mùa xuân đang ngự trị, trời xanh diệu kỳ không một gợn mây, nắng xuân ấm áp. Ta rất sảng khoái. Lá cây lấp lánh trong ánh sáng huy hoàng. Đẹp quá! Kìa là núi cao, thâm sâu với dãy đồi xanh vây phủ. Ta lặng lẽ bước đi không suy tư nghĩ ngợi. Ồ, dưới chân ta là một chiếc lá chết, vàng và đỏ thắm, một chiếc lá mùa thu. Chiếc lá mới đẹp làm sao, giản dị trong cái chết của nó, linh động, tràn trề vẻ đẹp và nhựa sống của cây, của mùa hè. Nó chưa tàn úa. Nhìn nó thật kỹ, ta có thể nhận ra tất cả những đường gân nổi, cái cuống và hình dáng tuyệt mỹ. Trong ngọn lá này là dấu ấn của toàn thể cái cây từ đó nó sinh ra.

Tại sao con người lại chết đau thương đến thế, chết trong ưu sầu, trong bệnh hoạn, trong tàn phế vì tuổi tác, trong suy vong và tàn tạ của cơ thể? Sao con người không thể chết tự nhiên, đẹp đẽ như chiếc lá này? Có điều gì không ổn nơi chúng ta nhỉ? Mặc dù có nhiều y sĩ, thuốc men, bệnh viện, phẫu thuật cùng tất cả nỗ lực để sống, những lạc thú cuộc đời, dường như chúng ta không thể nào chết đơn giản và đầy tư cách, chết với nụ cười trên môi.

Hôm trước khi đi dạo trên con đường, ta nghe vẳng lên từ phía sau tiếng tụng kinh hài hòa, trầm bổng, mang âm hưởng mạnh mẽ cổ kính của Phạn ngữ. Ta đứng lại nhìn anh con cả lưng trần cầm lư hương bằng đất đang ngún lửa. Theo sau là hai người đàn ông khiêng một cái xác quấn vải trắng. Cả đoàn vừa đi vừa tụng kinh và vì ta biết bài kinh ấy, ta rất muốn tham gia vào đám tang. Ta chờ họ đi ngang để theo xuống dưới đường cùng tiếng tụng kinh. Anh con cả mếu máo. Họ đã khiêng xác cha anh xuống bờ sông, nơi có một dàn củi được sắp sẵn. Đặt xác ông cụ lên dàn xong, họ đốt lửa. Sự việc xảy ra thật tự nhiên, thật đơn giản. không một bó hoa, xe tang hay xe ngựa, mọi sự diễn ra thật im lặng, thật trang nghiêm. Và chiếc lá này gợi lên trong ta hàng ngàn chiếc lá trên cây. Mùa đông đến, lá phải lìa cành mẹ rồi lưu lạc đến con đường này, khô héo, phai nhạt để bay đi, phiêu dạt theo gió đẩy đưa rồi mãi mãi bặt tăm.


Khi dạy cho trẻ làm toán, tập viết, tập đọc và tất cả những gì đưa đến hiểu biết thì bạn phải dạy cho chúng biết phẩm giá của cái chết. Chết không phải là một thứ bệnh hoạn và đau đớn mà thỉnh thoảng bạn phải đương đầu, chết là một phần của cuộc sống thường nhật – như khi bạn nhìn trời xanh hay con châu chấu trên lá. Chết là một phần của việc học cách sống, như chuyện mọc răng và những ốm đau nóng sốt của trẻ con. Trẻ con được trời phú cho tính tò mò lạ thường. Nếu bạn hiểu bản chất của cái chết, bạn chỉ cần nói rằng tất cả đều chết, rằng cát bụi trở về với cát bụi, nhưng hãy giải thích không chút e dè cho chúng biết thế nào là chết. Hãy cho chúng cảm nhận được sống và chết chỉ là một, chỉ là một sự cố không bắt đầu vào lúc cuối đời sau 50, 60, hay 90 tuổi, mà chết giống như chiếc lá. Bạn có trông thấy các cụ già không? Các cụ tàn tạ, hiu quạnh, khổ sở, xấu xí quá. Phải chăng vì các cụ đã không hiểu sống với chết là thế nào? Các cụ đã lạm dụng sự sống, đã tận hưởng nó, đã lãng phí nó trong cuộc tranh chấp không ngừng chỉ có đưa đến sự củng cố them cái tôi, ta, tự ngã. Chúng ta sống cuộc đời của mình bằng cách trải nghiệm đủ loại phấn đấu và đau khổ, với công việc bất tận trước mắt, chỉ hưởng được một chút lạc thú ít oi vào những buổi ăn tối xong uống rượu hoặc phì phào thuốc lá. Rồi đến cuối đời, ta phải đối diện với cái ta gọi là thần chết mà người ta rất sợ. Và người ta cứ tưởng rằng họ có thể hiểu được cái chết và cảm nhận nó một cách sâu xa. Trẻ con với óc tò mò có thể được hướng dẫn để hiểu rằng chết không chỉ là sự héo mòn của thể xác vì tuổi tác, bệnh hoạn hay tai nạn bất ngờ nào đó, mà mỗi một ngày qua đi cũng là cái chết của chính mình.


Không có sự phục sinh, đấy là một mê tín, một niềm tin theo giáo điều. Tất cả những gì hiện hữu trên trái đất tuyệt vời này đều sống, chết, thành hình rồi tàn tạ và biến mất. Cần có trí tuệ mới nắm được tất cả chuyển động này của đời sống. Nhưng đấy không phải là trí thông minh phát xuất từ tư duy sách vở hay hiểu biết, mà là trí thông minh phát từ tình yêu, lòng bi mẫn với tính nhạy bén của nó. Ta chắc chắn rằng, nếu nhà giáo dục hiểu được ý nghĩa của cái chết và phẩm chất của nó, rằng chết là chuyện vô cùng đơn giản – nếu vị ấy hiểu nó không phải qua tri thức mà hiểu một cách sâu xa – thì vị ấy có thể làm cho trẻ con hay học trò nắm ngay được cái điều rằng sự chết, sự chấm dứt, là điều không cần phải né tránh, vì nó là một phần của toàn bộ đời sống. Nhờ vậy, khi học sinh hay đứa trẻ lớn lên, nó sẽ không bao giờ sợ chết. Nếu tất cả nhân loại sinh trước chúng ta qua nhiều thế hệ mà vẫn còn sống trên trái đất này thì thật là một điều kinh khủng. Khởi đầu không phải là chấm dứt.


Và ta muốn giúp - ồ không, ta dùng từ chưa đúng – ta mong mỏi các nhà giáo dục nên gán cho cái chết một sự thật hiển nhiên nào đó, không phải cái chết của một kẻ khác mà của chính mình. Dù trẻ hay già, ai cũng phải đương đầu với nó. Đây không phải là một chuyện buồn được xây dựng bằng nước mắt, cô đơn, ly biệt. Người ta giết hại quá dễ dàng, không chỉ giết những con vật cung cấp cho các bữa ăn của chúng ta , mà còn tàn sát chỉ để tiêu khiển, mà người ta gọi là một môn thể thao. Giết một con nai trong mùa săn chẳng khác nào giết người láng giềng của mình. Người ta giết súc vật vì họ đã mất tương quan với thiên nhiên, với những sinh vật sống trên trái đất. Trong chiến tranh con người tàn sát nhân danh những ý thức hệ lãng mạn, nhân danh tổ quốc hay chính trị. Nhân danh Thượng đế người ta giết người. Bạo động và sát sinh luôn đi đôi với nhau.


Và trước chiếc lá chết này chết trong dáng vẻ tuyệt đẹp với tất cả màu sắc tươi thắm của nó, có lẽ ta cảm nhận được tận đáy long thế nào là cái chết của chính mình, không phải ở cuối đời mà lúc khởi đầu sự sống. Cái chết không phải là một chuyện gì ghê gớm cần né tránh phân biệt ( với sự sống ), đúng hơn đấy là một người bạn theo ta từng ngày, trên từng cây số. Từ nhận thức này, sẽ phát sinh một ý thức kỳ diệu về cái Vô cùng.

Nhận xét